MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lớp 4A2, Trường Tiểu học Đông Ngũ 2, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chăm sóc rau, hoa. Ảnh: Lan Anh/Báo Quảng Ninh

Hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới: "Bình mới rượu cũ”?

QUANG ĐẠI LDO | 22/12/2017 08:18
Trong Chương trình phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT công bố, có hoạt động giáo dục bắt buộc “Trải nghiệm” và “Trải nghiệm, hướng nghiệp” được phân phối 105 tiết/ năm. Đây là nội dung mới và còn nhiều điểm chưa rõ.

Trước đây, trong trường phổ thông không có hoạt động “Trải nghiệm” được quy định thành số tiết học bắt buộc, mà chỉ có hoạt động ngoại khóa, thực hành, tham quan, dã ngoại, lao động, giáo dục địa phương… Nội dung hoạt động gắn liền với các môn học, do giáo viên chủ động xây dựng, thời lượng ngắn…

Thầy Trần Ngọc Hà, giáo viên THPT tại Hà Tĩnh cho biết: “Khái niệm trải nghiệm trong chương trình phổ thông tổng thể rất mới mẻ với giáo viên. Với thời lượng 105 tiết/năm học tương đương 3 tiết/tuần là khá lớn. Không rõ chương trình được thiết kế ra sao, giáo viên nào được phân công phụ trách và đánh giá như thế nào?”.

Một thực tế là mặc dù chưa có định nghĩa cụ thể, nhưng sau khi dự thảo chương trình phổ thông tổng thể được công bố, nhiều trường phổ thông đã nhanh chóng gắn mác “Trải nghiệm sáng tạo” cho các hoạt động ngoại khóa truyền thống như tham quan di tích lịch sử, danh thắng, sân khấu hóa một số trích đoạn tác phẩm văn học…

Khi được hỏi tại sao lại gán cho các hoạt động quen thuộc một cái tên rất “kêu” là “Trải nghiệm sáng tạo”, cô Hồng Lam, giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh thừa nhận: “Thực ra thì đây cũng là hoạt động ngoại khóa cũ thôi, không có gì mới cả, nhưng chúng tôi gắn cái tên mới vào để động viên tinh thần cô và trò”.

Một số cán bộ quản lý giáo dục tại Nghệ An cũng thừa nhận chưa thật rõ về khái niệm “Trải nghiệm” hay “Trải nghiệm sáng tạo”. “Nghe thì cũng hay nhưng nếu làm cho có hiệu quả, cho thực chất không đơn giản tý nào”, một hiệu trưởng THPT tại thị xã Thái Hòa (Nghệ An) trao đổi.

Thầy giáo nói trên phân tích, “Trải nghiệm” có nghĩa là trải qua, kinh qua, nếm trải… yêu cầu phải có thời gian, kinh phí, có các điều kiện về vật chất, thời gian, con người để tổ chức. Mặt khác, người hướng dẫn, đánh giá cũng phải chuyên nghiệp, chứ không thể hời hợt.

“Trước đây, các hoạt động tham quan, dã ngoại, sân khấu hóa nói chung yêu cầu cũng nhẹ nhàng, diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ để giúp học sinh tiếp xúc với thực tế, có cái nhìn, cách đánh giá sát thực với hiện tượng, sự kiện. Còn đã gọi là “trải nghiệm” thì không thể làm như cũ được, làm đòi hỏi thực chất, chiều sâu, độ chín… Những yêu cầu nói trên là quá khó so với điều kiện của hầu hết các trường phổ thông”, cô Thanh Huyền, cán bộ quản lý giáo dục tại Nghệ An, chia sẻ.

Nếu Bộ GD-ĐT không có chương trình cụ thể, kèm theo các điều kiện về vật chất, biên chế, kinh phí… thì hoạt động “Trải nghiệm” sẽ khó đạt mục tiêu đề ra, nhanh chóng bị biến tướng thành “bình mới, rượu cũ”, thậm chí trở thành cái cớ để các trường thu tiền phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn