MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗ trợ đường truyền cho học sinh khó khăn học online tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. ảnh: Nhật Hồ

Học online ở miền cuối đất: Thiếu thiết bị, có tiền chưa chắc mua được

NHẬT HỒ LDO | 17/09/2021 17:14
Chỉ riêng tỉnh Cà Mau đã có gần 14.000 học sinh không có thiết bị đầu cuối để học online. Tại tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, ngay cả người có tiền cũng chưa chắc mua được thiết bị đầu cuối để cho con em mình học online đúng tiến độ.

Hàng chục nghìn học sinh không có thiết bị đầu cuối học online

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau ngày 17.9 cho biết, theo thống kê sơ bộ, còn 13.884 học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 chưa có thiết bị để học trực tuyến.

Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Cà Mau cũng cho biết, tỉ lệ học sinh học trực tuyến tuần thứ 2 đạt 88,21%. Trong đó, cấp tiểu học đạt 84,75%, cấp THCS đạt 90,03%, cấp THPT đạt 95,9%.

Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu vận động người dân tặng máy tính, điện thoại cũ còn dùng được cho học sinh khó khăn học online. Ảnh: Nhật Hồ

Trong số học sinh học trực tuyến, có khoảng 60% học có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao, cấp học càng thấp thì hiệu quả càng thấp. Nguyên nhân do học sinh đầu cấp mới tuyển chưa được hướng dẫn trực tiếp nên còn khó khăn trong việc vào lớp học trực tuyến.

Có một số trường hợp giáo viên chủ nhiệm không liên lạc được với học sinh và gia đình các em. Việc thao tác và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, một số học sinh còn chậm. Do cùng một giờ dạy giáo viên phải tương tác với nhiều học sinh nên khó kiểm soát được việc học của từng em.

Tại tỉnh Bạc Liêu, tình trạng cũng tương tự cũng diễn ra. Thống kê sơ bộ của ngành giáo dục tỉnh này cho thấy có đến gần 8.000 học sinh các cấp thiếu thiết bị đầu cuối để học online. Các trường đã vận động phụ huynh ghép 2 học sinh cùng học một thiết bị, nhưng hiệu quả lâu dài là không cao.

Khan hàng, giá tăng

Sản phẩm phục vụ cho học sinh, sinh viên học trực tuyến tăng mạnh, đặc biệt là hình thức mua sắm online. Giám đốc Siêu thị Nguyễn Kim Cà Mau, ông Dương Anh Tuấn cho biết: Dòng sản phẩm laptop có giá từ 13-15 triệu đồng được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, các dòng máy tính bảng có giá từ 5-7 triệu đồng cũng thu hút khách.

Giám đốc Nguyễn Kim Bạc Liêu, ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Mặt hàng laptop, máy tính bảng trở thành sản phẩm chủ lực của siêu thị. Mặc dù đóng cửa và kinh doanh online nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 9, siêu thị đã bán được hơn 50 máy tính và đang tăng lên từng ngày trong thời điểm hiện nay. Nguồn hàng về Bạc Liêu khó khăn, có thể bị chậm do số lượng laptop, máy tính, điện thoại thông minh khách hàng mua nhiều”.

Học sinh khó khăn được nhận điện thoại thông minh để học online tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Cửa hàng kinh doanh camera - vi tính Phú Lợi phường 7, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu duy trì kênh bán hàng online và giao hàng tận nơi cho khách hàng. Cửa hàng này đã nhận được lượng đơn hàng máy vi tính để bàn, laptop… với số lượng khá. Đa phần khách hàng lựa chọn máy tính để bàn, laptop với giá từ 10-15 triệu đồng với cấu hình đảm bảo đáp ứng yêu cầu học online và lưu trữ dữ liệu cho học sinh, sinh viên.

Bà Trần Thanh Hiền, phường 1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Tôi đặt mua hai chiếc laptop đã 10 ngày nay nhưng bên cửa hàng nói hàng chưa về vì vận chuyển khó khăn. Mấy đứa nhỏ hiện nay phải học bằng điện thoại thông minh”.

Do khan hàng cục bộ nên giá hầu hết các mặt hàng điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng đều tăng hơn so với khi chưa có dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn