MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học online sinh viên vẫn phải "gánh" đủ loại phí. Ảnh: Hải Nguyễn

Học online, sinh viên vẫn phải "gánh" đủ loại phí

Tường Vân-Bích Hà LDO | 08/10/2021 11:25

Nhiều trường đại học bắt đầu cho sinh viên nhập học, bước vào năm học mới. Dù học tập theo hình thức trực tuyến, nhưng sinh viên vẫn phải đóng nhiều loại phí khác nhau. GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh người học và gia đình gặp khó khăn bởi dịch bệnh, ngoài việc không nên tăng học phí, các trường nên giãn các khoản thu để chia sẻ gánh nặng với gia đình người học.

Lo lắng với nhiều loại phí đầu năm

Em Lê Khắc Anh Tâm, sinh viên năm nhất Học viện Chính sách và phát triển - cho biết, đầu năm học, nhà trường thông báo đóng khoản phí nhập học hơn 6 triệu đồng. Ngoài học phí, Tâm còn còn phải đóng thêm 1 số khoản chi phí như: Phí khám sức khỏe: 300.000 đồng; Bảo hiểm y tế bắt buộc: 657.090 đồng; Đoàn phí: 96.000 đồng; Lệ phí làm thẻ sinh viên: 50.000 đồng; Phí khác (tài liệu học tập, đi thực tế tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, giấy chứng nhận, phiếu khảo sát, hồ sơ sinh viên, Sổ ngoại trú - Nội trú, Sổ tay sinh viên toàn khóa học,…): 450.000 đồng.

Cũng theo sinh viên này, do đang học trực tuyến nên buổi đi thực tế tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đã tạm hoãn và nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể sẽ tham gia vào thời điểm nào.

Tương tự, tại Học viện Ngân hàng, một sinh viên cho biết, ngoài học phí, bảo hiểm, rất nhiều khoản lệ phí được trường thông báo cho thí sinh trúng tuyển phải đóng khi nhập học dù đang học trực tuyến. Chẳng hạn, ngoài khoản học phí là 4.350.000 đồng, nhà trường thu thêm phí nhập học 80.000 đồng; phí khám sức khỏe đầu khóa: 240.000 đồng; sổ tay sinh viên: 30.000 đồng; túi hồ sơ in sẵn: 15.000 đồng; Phí làm thẻ và dây đeo sinh viên: 15.000 đồng; Phí bảo hiểm y tế bắt buộc là 704.000 đồng.

"Bố mẹ em đều là lao động tự do, vừa rồi dịch bệnh nên thu nhập cũng giảm sút. Mẹ em phải vay mượn mới đủ tiền đóng phí nhập học đầu năm. May mắn là thời gian này trường tổ chức học trực tuyến, nếu không sẽ phát sinh thêm 1 khoản phí thuê trọ, chi phí sinh hoạt hằng tháng,...Khi đó, không biết gia đình em sẽ phải xoay xở thế nào" - nữ sinh lo lắng. 

Chị Vũ Thị Hương (Thanh Hóa) có con thi đỗ Trường Đại học Điện lực chia sẻ, mới bắt đầu năm học nhưng gia đình đã phải chi số tiền lớn để đóng phí nhập học và sắm sửa thiết bị học trực tuyến cho con.

"Theo thông báo của nhà trường, tổng các loại phí phải đóng đầu năm là 8 triệu. Nhà trường thông báo tổng số tiền chứ không kê khai cụ thể các khoản phí gì. Để chuẩn bị cho con học, 2 vợ chồng tôi đã phải tích cóp tiền bán lúa, bán lợn... để đóng học phí nhập học. Sau đó, lại phải vay mượn thêm gần 10 triệu mua máy tính cho con học trực tuyến”.

Các trường đua nhau thu thêm phí

Theo ghi nhận của Lao Động, tình trạng chung của nhiều sinh viên khi bắt đầu năm học mới là phải đóng rất nhiều loại phí khác nhau từ vài trăm cho đến vài triệu đồng.

Trường đại học FPT thu phí nhập học của sinh viên năm nhất tới 4.600.000 đồng; Học viện Ngoại giao thu lệ phí Đoàn, Hội phí 200.000; Đồng phục, sổ tay sinh viên 750.000;  Phí khám sức khỏe 250.000. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thu 150.000 đồng các khoản tài liệu, sổ tay sinh viên, sổ quản lý sinh viên và cơ sở vật chất khác.

Hay tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, sinh viên phải đóng nhiều khoản phí như: Phí khám sức khỏe: 140.000 đồng;  Hồ sơ, tài liệu nhập học, sinh hoạt chính trị đầu khóa: 200.000 đồng;  Thông báo điện tử (thông báo kết quả học tập, học phí, các thông tin cần thiết khác về số điện thoại đã đăng ký): 100.000 đồng; Khảo sát phân loại trình độ tiếng Anh:  350.000 đồng; Bảo hiểm thân thể: 230.000 đồng.

Nhiều sinh viên cho rằng, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến, việc các trường đại học vẫn thu phí nhập học theo "combo trọn gói" ngay từ đầu năm học như vậy sẽ gây khó khăn cho người học. 

Trước phản ánh của sinh viên về các khoản phí đầu năm học, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải - cho biết, khoản học phí và bảo hiểm y tế là 2 khoản bắt buộc. Phí khám sức khỏe nhà trường thu trước và sẽ tổ chức khám cho sinh viên sau khi quay trở lại trường học. Và khoản khảo sát phân loại trình độ Tiếng Anh; bảo hiểm thân thể là tự nguyện. 

"Hồ sơ, tài liệu nhập học, sinh hoạt chính trị đầu khóa, hằng năm, nhà trường vẫn in ấn và gửi các em. Năm nay, do học online nên có bản điện tử và chúng tôi sẽ in bản mềm gửi cho sinh viên khi các em quay trở lại.

Về phí thông báo điện tử, đây là mức phí dùng cho cả khóa học. Các em sử dụng dịch vụ được nhận thông báo kết quả học tập, học phí, các thông tin cần thiết khác về số điện thoại đã đăng ký. Riêng 2 khoản này các em hoàn toàn có thể đóng sau, nhà trường không bắt buộc các em đóng luôn vào đầu năm học" - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Theo Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 81/2021 của Chính phủ có quy định về học phí và các khoản thu dịch vụ khác đối với người học thì bên cạnh học phí, các trường được thu thêm các khoản thu dịch vụ tuyển sinh. Tuy nhiên, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác phải được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh.  Trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Nêu quan điểm về việc các trường đua nhau đưa ra nhiều khoản phí vào đầu năm học, GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh người học và gia đình gặp khó khăn bởi dịch bệnh, ngoài việc không nên tăng học phí, các trường nên giãn các khoản thu để chia sẻ gánh nặng với gia đình người học. Các khoản phí tài liệu nhập học, hay phí nhập học... các trường hoàn toàn có thể hỗ trợ người học nhờ việc số hóa thông tin, tài liệu, giáo trình để giảm công in ấn, phát hành. 

Ngoài ra, các khoản thu như phí khám sức khỏe cùng nhiều khoản phí khác không cần thiết phải thu ngay từ đầu năm học, bởi hiện nay sinh viên đang phải học online. GS Phạm Tất Dong nêu rõ quan điểm, nhà trường mở ra không phải nhằm mục tiêu thu học phí, hay nghĩ ra đủ các loại phụ phí để thu của người học, mà là trang bị tri thức cho mọi người. Hơn lúc nào hết, đây là lúc các trường đại học cần thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm phục vụ cộng đồng của mình, không chỉ ở việc giảm học phí, mà cần cắt bớt các khoản phụ phí, để san sẻ khó khăn với sinh viên và phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn