MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc lều dựng tạm ngay bên đường để "bắt" sóng 3G học trực tuyến. Ảnh: CTV

Học sinh dựng lều cách nhà 5km “bắt” mạng để học trực tuyến

LÊ PHI LONG LDO | 22/09/2021 15:19

Do sống ở địa bàn xa xôi, cách trở, điều kiện còn có nhiều khó khăn nên 2 em học sinh Vân Kiều ở bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã phải dựng lều tạm cách nhà 5 km mới có sóng điện thoại 3G để tham dự các buổi học trực tuyến.

Những ngày này, trên đường về với bản Bạch Đàn, ai cũng bất ngờ trước hình ảnh một căn lều dựng tạm bằng tấm bạt bên đường, trong lều có 2 nữ học sinh đang chăm chú học trực tuyến qua điện thoại, sóng thì chập chờn, lúc có lúc không.

Căn lều được dựng tạm bên đường, ngay triền núi. Một tấm bạt to được chống lên bởi các cành gỗ chặt tạm, mục đích là để che nắng, che những cơn mưa nhỏ. Chứ nếu mưa lớn hơn, căn lều trên có thể cũng sẽ theo gió bay đi.

Bàn học là những mảnh gỗ ghép lại, điện thoại được dựng cố định trên những mảnh gỗ cắt nhỏ theo kiểu “dã chiến”.

Tạm bợ là thế, nhưng 2 chị em ruột người Vân Kiều là Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005, đều là học sinh lớp 11 và 12 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình) vẫn đúng giờ, có mặt nơi đây để tham gia học trực tuyến.

Hồ Thị Son kể, từ trong bản ra đến đây, chỉ nơi này là có sóng 3G để kết nối mạng, sóng cũng chập chờn, không ổn định nhưng 2 em vẫn gắng kiên trì để có kiến thức, tham gia học cùng thầy cô và các bạn ở nơi khác qua điện thoại.

Việc học phải đi bộ cách nhà 5 km vất vả là thế, nhưng vị trí dựng lều cũng lại rất nguy hiểm vì đây là vách núi cao, trước mặt là vực sâu nên nguy cơ bị sạt lở rất cao.

Khi được hỏi, sao không đi dựng lều chỗ khác mà học? Hồ Thị Son trả lời là chỉ có vị trí này sóng 3G mới tạm ổn định, còn chỗ khác thì không thể có sóng 3G mà học.

Chính vì vậy, có hôm 2 chị em cất công đi bộ 5 km ra đến đây để học thì trời mưa lớn, 2 chị em không dám vào lều ngồi học, sợ sạt lở đất, nguy hiểm nên lại đi bộ về nhà.

Hồ Thị Thanh Huyền thì kể, mỗi sáng hằng ngày 2 chị em dậy rất sớm, bới theo cơm nắm hoặc bánh rồi đi bộ từ bản ra nơi lều dựng tạm để học trực tuyến. 

Hồ Thị Son tâm sự, vì năm nay là năm học cuối cấp, nên khổ mấy cũng phải gắng để có kiến thức, để thi tốt nghiệp, bạn bè Son ai cũng thế, cũng phải gắng thôi.

Vị trí các em ngồi học bên vách núi, rất nguy hiểm. Ảnh: CTV

“Mạng không ổn định, nhưng thấy bạn bè, nghe tiếng thầy cô giảng, có thêm tài liệu học tập là chúng em vui lắm, tự tin lắm. Em mong nhanh hết dịch COVID-19 để được đến lớp cùng bạn bè” -  Hồ Thị Thanh Huyền hào hứng nói.

Bản Bạch Đàn - nơi 2 em sinh sống nằm cách trung tâm xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) gần 10 km. Đường vào bản do ảnh hưởng của mưa lớn trong những ngày gần đây khiến đường rất khó đi, đường dốc đứng, bùn lầy lội, đất đá 2 bên núi lại đổ xuống lòng đường. Đây là một trong những bản nghèo xa xôi nơi biên giới của tỉnh Quảng Bình.

Phòng GDĐT huyện Lệ Thủy cho biết, để giúp những học sinh ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực biên giới như xã Lâm Thủy, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy đang triển khai giáo viên vào tận bản để hướng dẫn, giao bài tập cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 để các em có điều kiện hơn trong việc tiếp nhận kiến thức trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh Quảng Bình, từ ngày 20.9 do dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại địa phương nên toàn tỉnh chưa tổ chức dạy học trực tiếp mà triển khai học trực tuyến, học qua truyền hình tùy theo cấp học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn