MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của đan

Học sinh giỏi tăng đột biến: Tạo nền móng học tập, không chạy theo thành tích

Chung Trang - Anh Nhàn LDO | 03/04/2021 09:00

Số học sinh giỏi cấp thành phố của TPHCM năm học 2020-2021 là 6.035 em, tăng hơn 2.000 em so với năm ngoái. Nhiều tỉnh thành khác cũng có số lượng học sinh giỏi tăng trong điều kiện việc dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này đáng ra là tin vui, nhưng đang khiến nhiều người băn khoăn, liên tưởng đến “bệnh” thành tích trong giáo dục.

Giải thưởng học sinh giỏi cũng... “đột biến”

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM vừa công bố số liệu học sinh giỏi năm 2021. Theo đó, số lượng học sinh giỏi năm nay là hơn 6.000 em cả khối lớp 9 và 12. Thống kê 5 năm học gần nhất, từ 2016 đến 2020, số lượng học sinh giỏi cả hai khối 9 và 12 tại TPHCM năm nay tăng khoảng 50%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM lý giải, số lượng học sinh giỏi lớp 9 và 12 năm nay tăng do sở cho phép các trường tăng số lượng học sinh dự thi.

Cụ thể, khối 12 được tăng 50% số lượng thí sinh dự thi (từ 5 em/môn/trường lên 10 em). Ở khối 9, các phòng giáo dục quận, huyện cũng được tăng số lượng thí sinh, mỗi đội tăng lên 5 em (từ 15 em/môn lên 20 em). Trường chuyên và trường có lớp chuyên có thể cử tất cả học sinh ở mỗi môn chuyên đăng ký dự. Những em này sẽ thi theo chương trình chuyên (theo đề thường nhưng có bổ sung một số câu hỏi chuyên sâu).

Tổng số dự thi học sinh giỏi lớp 9 và 12 năm nay khoảng 10.000 em. Con số này chỉ chiếm 8% số học sinh giỏi của thành phố. Khối 9 và 12 của thành phố khoảng 630.000 em thì có khoảng 120.000 học sinh giỏi cấp trường.

Theo ông Hiếu, số lượng dự thi năm nay tăng so với những năm gần đây nhưng không đáng kể mấy so với số học sinh giỏi cấp trường của thành phố. Ngoài ra, sở đang khuyến khích học sinh cấp THCS tham gia kỳ thi học sinh giỏi.

“Trước đây, Bộ GDĐT có chế độ cộng điểm cho học sinh cấp thành phố khi thi tuyển sinh lớp 10, các em có động lực thi rất nhiều. Nhưng từ khi bỏ quy định này, phong trào học sinh giỏi ở cấp THCS giảm. Do đó, sở cho phép các đội học sinh giỏi lớp 9 của các quận, huyện và học sinh giỏi lớp 12 của các trường THPT được tăng số lượng dự thi” - ông Hiếu nói.

Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM khẳng định, dù tăng số lượng học sinh tham gia nhưng chất lượng không hề giảm, điều này thể hiện qua đề thi vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong số tổng thí sinh dự thi, ban tổ chức cơ cấu không quá 60% được công nhận đạt học sinh giỏi. Trong đó, giải nhất thuộc nhóm có điểm cao nhất và chiếm tối đa 10%, giải nhì không quá 20% và giải ba tối đa 30%, trên tổng số thí sinh dự thi ở mỗi môn.

Vừa qua Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng đã thông qua nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo. Đối với học sinh giỏi cấp thành phố, giải nhất cấp THCS có mức thưởng sẽ là 10 triệu đồng, cấp THPT là 12 triệu đồng. Mức thưởng Hội đồng Nhân dân TPHCM phê duyệt sẽ áp dụng cho học sinh giỏi năm học tới.

“Hãy tạo ra sân chơi thực chất cho học sinh”

Với con số “kỷ lục” hơn 6.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố của TPHCM, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự bất thường và có thật sự phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục hay không khi khuyến khích, kể cả học sinh cấp THCS tham gia các cuộc thi học sinh giỏi.

Ngoài ra, không riêng gì số lượng học sinh giỏi trong cuộc thi học sinh giỏi các cấp tăng, mà kết quả đánh giá xếp loại năm học 2019-2020 và học kỳ I của năm học 2020-2021 của nhiều trường cũng cho thấy, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên rất nhiều so với năm trước. Nhiều người đặt ra câu hỏi, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thời gian cũng như chất lượng học tập của các em, vậy vì sao số lượng học sinh giỏi lại tăng so với trước?

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ GDĐT đã thực hiện giảm tải chương trình học của các khối lớp. Các đơn vị bài học còn lại tương đối ít, kèm theo đó là việc giảm bớt các cột điểm, nên việc học cũng nhẹ nhàng hơn, dễ đạt điểm cao hơn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng, phần nào đó, khi số lượng học sinh giỏi tăng là những con số “biết nói” phản ánh sự tăng trưởng của chất lượng giáo dục Việt Nam. Nhưng khi số lượng học sinh giỏi trong các cuộc thi tăng “đột biết” đúng là gây nên nỗi lo ngại về việc đánh giá thực chất năng lực của học sinh.

Theo thầy Bình, trong những năm gần đây, các cuộc thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật đang có dấu hiệu bị lạm dụng về kết quả, chưa thực chất và bị tô vẽ quá nhiều. Hơn nữa, thành tích đang là một hệ quy chiếu, làm mất đi động lực thực chất của học sinh. Vì vậy, thầy cô và học sinh cần trở về với những gì mình có, để nhìn lại chính mình, để tiếp tục bước những bước dài hơn, chắc chắn và vững vàng chứ không phải chạy theo thành tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn