MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao tặng thiết bị học trực tuyến cho học sinh Quận Hoàng Mai (Hà Nội) có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: V.T

Học sinh hoàn cảnh khó khăn cần ngay lúc này

Tường Vân - Thiều Trang LDO | 13/09/2021 07:28
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được triển khai nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong việc học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số. Học sinh hoàn cảnh khó khăn trong cả nước rất cần sự trợ giúp ngay lúc này.

Cần lắm sự chung tay của toàn xã hội

Nhận định chương trình “Sóng và máy tính cho em” đem lại những giá trị thiết thực và nhân văn, góp phần trang bị phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn trên cả nước, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, cô Nguyễn Thùy Dung - giáo viên tại Hà Nội chia sẻ:

“Tôi hy vọng chương trình này được triển khai nhanh chóng hơn nữa để kịp thời hỗ trợ cho các em học sinh không có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, sóng cũng cần đặc biệt chú trọng vì hiện tại đường truyền mạng rất kém, chưa nói đến học sinh vùng sâu, vùng xa mà học sinh ngay tại những khu đô thị sóng của các nhà mạng cũng rất chập chờn, gây khó khăn cho việc học tập của các con”.

Tại nhiều tỉnh thành, tình trạng học sinh không có đủ điều kiện, trang thiết bị học, phải tạm dừng đến trường là vấn đề trăn trở của toàn ngành Giáo dục. 

Cô Lê Thị Khoa - giáo viên trường THPT Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - cho biết, dù đã bắt đầu năm học mới nhưng vẫn có rất nhiều học sinh không thể tham gia do thiếu điều kiện, trang thiết bị học trực tuyến.

“Riêng lớp tôi có tới 3 bạn nhà do nhà khu vực vùng sâu, xa quá nên gần như không có đường truyền sóng wifi. Do đó, giáo viên phải gửi bài tập đến tận nhà và hướng dẫn các em tự học.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” triển khai khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp là điều cần thiết, kịp thời và nhân văn để hỗ trợ trực tiếp việc học tập trực tuyến của các em học vùng sâu, vùng biên giới không có mạng và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - cô Khoa bộc bạch.

Tại Cần Thơ, cô Nguyễn Lê Hương, Hiệu trưởng trường THCS An Hòa 2 (Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) chia sẻ, số lượng học sinh khó khăn tại trường còn rất nhiều, nguồn kinh phí nhà trường kêu gọi được chưa đủ để đáp ứng điều kiện, trang thiết bị học trực tuyến cho các em.

“Hiện còn nhiều trường học học sinh không đủ thiết bị học tập. Trong khi đó, giá 1 máy điện thoại bên Viettel có mức giá tới 2,9 triệu đồng, nặng hơn so với khoản kinh phí mà nhà trường đã kêu gọi được.

Có được sự hỗ trợ của Chính phủ, địa phương lúc này sẽ là sự động viên và hỗ trợ tích cực để cô trò chúng tôi có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này, yên tâm thực hiện nhiệm vụ cho năm học mới” - cô Hương nói.

Các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chương trình

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hưởng ứng và ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giúp học sinh vững bước trong năm học mới.

Tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam khuyến khích các đơn vị hưởng ứng và tham gia ủng hộ chương trình. Đối với các đơn vị thành viên còn lại, tổng công ty phát động các đơn vị tham gia ủng hộ chương trình với các mức khác nhau.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ việc học trực tuyến của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã quyết định ủng hộ 10 tỉ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank hy vọng, sự đóng góp của TPBank sẽ góp phần lấp đầy những khoảng cách và giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với những bài giảng của thầy cô giáo dễ dàng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn