MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh quay cuồng vì học thêm.

Học sinh ở các nước có "mất ăn, mất ngủ" vì học thêm?

Dung Hà LDO | 08/01/2018 11:34

Bệnh thành tích, áp lực học tập, thi cử, điểm số đã đẩy học sinh Việt Nam vào một cuộc đua "học thêm" để "nâng cao thành tích". Học sinh nước ngoài có phải học thêm?

Phạm Thị Hà (du học sinh tại Nhật Bản) cho biết, thực ra, Nhật Bản cũng tổ chức học thêm, dạy thêm nhưng hầu hết học sinh dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học tập tại trường. Dạy thêm và học thêm ở đất nước mặt trời mọc chủ yếu được tổ chức theo hai mô hình. Một là các trung tâm luyện thi, hai là các câu lạc bộ năng khiếu.

Có một điều đặc biệt là, lực lượng giáo viên giáo dục chính quy sẽ không được phép dạy thêm, nếu họ bị phát hiện dạy thêm ngoài hoạt động chính quy thì sẽ bị sa thải, thậm chí là hiệu trưởng của trường có giáo viên vi phạm sẽ phải từ chức. Còn lại, các trung tâm luyện thi, các câu lạc bộ năng khiếu nằm ngoài hệ thống giáo dục được phép hoạt động với một đội ngũ giáo viên độc lập, nhưng phải đăng ký và đóng thuế thu nhập.

Việc học thêm hay không là do học sinh tự nguyện chứ không hề có chuyện ép buộc, thường là những học sinh ham học sẽ đến các trung tâm luyện thi để ôn luyện thêm vì việc học trên lớp chỉ giải quyết được những vấn đề cơ bản.

Còn ở Đức, việc học thêm, dạy thêm hoàn toàn bị cấm. Anh Trần Trung Hiếu (25 tuổi) đang sống và làm việc tại Đức cho biết, trẻ em ở đây được học tập theo ý muốn của chúng, hầu như không có bất kỳ áp lực nào từ phía gia đình. Ngay cả ở trường học, học sinh được phát triển một cách toàn diện, không chỉ suốt ngày “cắm đầu” vào học mà chúng được vui chơi nhiều để phát triển thể chất và kỹ năng mềm. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể và các câu lạc bộ để học sinh tham gia.

Cũng theo anh Hiếu, năng lực của học sinh tại đây được phân loại từ rất sớm. Khi kết thúc lớp 5, các em học sinh sẽ được trải qua một bài thi quốc gia. Những học sinh có năng lực học tập sẽ tiếp tục vào những trường học mà chúng yêu thích và phù hợp với khả năng của mình, còn đối với những học sinh yếu hơn sẽ đi theo một đường khác. Chúng có thể được định hướng để học nghề.

“Vì đi học nghề có khi còn thành công hơn là qua đường đại học nên phụ huynh không tạo áp lực cho con cái”, anh Hiếu cho biết.  

Anh Phan Văn Quảng (30 tuổi) đang sống và làm việc ở Đài Loan cho biết, thực chất học sinh ở đây cũng phải chịu áp lực lớn, bởi lẽ sự cạnh tranh nhau là rất lớn. Ở Đài Loan, việc học thêm của học sinh có nhiều hình thức, nhưng không có trường hợp nào học sinh bị ép đi học thêm. Học sinh và phụ huynh hoàn toàn tự nguyện.

“Luật Đài Loan nghiêm cấm giáo viên dạy học bên ngoài nhà trường. Nếu ai bị phát hiện dạy thêm ngoài nhà trường sẽ bị phạt tiền và mất chứng chỉ hành nghề”, anh Quảng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn