MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh nhận giải nhất trong cuộc thi KHKT quốc gia năm học 2020-2021. Ảnh: Bộ GDĐT

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Nhiều bất thường, cần xem xét bãi bỏ

QUANG ĐẠI LDO | 31/03/2021 10:25
Nhiều hiện tượng bất thường diễn ra xung quanh cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học do chính những người “trong cuộc” phát hiện: Các đề tài, dự án xa lạ, quá tầm học sinh và rất nhiều “ngôi sao” biến mất sau khi được giải.

Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021, dự án “Cải tiến peptit polybia-mp1 để ứng dụng trong điều trị ung thư” của nhóm học sinh Mai Thuỳ Anh (Trường THPT Chuyên Lam Sơn) và Đỗ Đức Tâm (Trường THPT Hàm Rồng), tỉnh Thanh Hóa đạt giải Nhất.

Theo nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế, nghiên cứu chuyên sâu về ung thư là lĩnh vực chỉ dành cho các bác sĩ chuyên ngành ung thư, có khả năng nghiên cứu và có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, vượt quá xa khả năng của học sinh phổ thông.

“Tôi cảm thấy rất băn khoăn khi học sinh phổ thông đang “vật vã” với khối lượng kiến thức của hàng chục môn học và các hoạt động khác trong nhà trường, lịch học thêm kín đặc, hoàn toàn chưa được đào tạo ngành Y và chưa có kiến thức, kinh nghiệm về điều trị bệnh ung thư, lại có dự án nghiên cứu điều trị ung thư đạt giải Nhất quốc gia trong thời gian ngắn” - thầy Trần Ngọc Hà - giáo viên THPT tại Hà Tĩnh nói.

Theo thầy Trần Ngọc Hà, sáng tạo KHKT bao giờ cũng gắn liền với hoạt động và trải nghiệm thực tiễn của chủ thể nghiên cứu, sáng tạo, có tính chất chuyên sâu, chuyên ngành. “Không thể có sáng tạo KHKT ở một lĩnh vực mà tác giả không có kinh nghiệm, trải nghiệm” - thầy Hà khẳng định.

Đó cũng là băn khoăn chung của nhiều giáo viên, khi mà học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, không tham gia lao động sản xuất, “đầu tắt mặt tối” với các môn lý thuyết mà lại có thể có sản phẩm nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên sâu, kỹ thuật cao hoàn toàn xa lạ với môi trường sống của các em như: Thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, kháng sinh, robot, vật liệu nanô, biến đổi khí hậu, vật liệu mới, điều trị bệnh hiểm nghèo, phục hồi chức năng...

Theo nhận định của nhiều giáo viên và chuyên gia, nếu học sinh thực sự là chủ nhân của các dự án thuộc các lĩnh vực nói trên, đã giành giải cao tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế, thì thực sự các em là những người có khả năng kiệt xuất.

Vậy hàng chục năm qua, các “thần đồng - siêu nhân” ấy đã trưởng thành ra sao, có đóng góp gì cho nền KHKT của đất nước và quốc tế? “Không rõ các em đó đi đâu, làm gì và không thấy thông tin về việc cá nhân nào trong số đó có đóng góp, thành tựu nổi bật về KHKT. Tại sao các ngôi sao ấy lại không tiếp tục tỏa sáng?” - thầy Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc TTGD TX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nói.

“Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đã đề xuất bãi bỏ thi KHKT dành cho học sinh. Dư luận cũng đang sục sôi phản ứng, đề nghị bãi bỏ. Một cuộc thi có quá nhiều điều bất thường như thế đương nhiên không thực chất, cần bãi bỏ càng sớm càng tốt” - thầy Lê Văn Vỵ đề xuất.

1030

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn