MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồi sinh cây đa 200 tuổi, nặng 120 tấn ở Quảng Ngãi

VIÊN NGUYỄN LDO | 08/03/2023 16:44
Quảng Ngãi - Sau gần 2 năm, kể từ ngày bị gãy đổ, cây đa 200 tuổi ở Quảng Ngãi dần hồi sinh nhờ được chăm sóc tốt.
Tháng 9.2021, cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở TP Quảng Ngãi bất ngờ gãy đổ, sau đó được di dời về “nhà mới” cách đó khoảng 200m để trồng, chăm sóc. Ảnh: Ngọc Viên

Tháng 9.2021, cây đa cổ thụ nổi tiếng trên 200 năm tuổi ở đường Nguyễn Văn Linh ở tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi bất ngờ bị ngã đổ. Cây có đường kính khoảng 4m, cao hơn 20m, tán rộng 30-60m, nằm trên vỉa hè sát gần nhà dân, có tán rộng, thường ngày phủ rợp bóng mát.

Cây đa nặng 120 tấn nằm trên tuyến đường chính thông ra Quốc lộ 1A nên khi ngã đổ chắn ngang đường, gây cản trở giao thông, tuy nhiên, việc di dời gặp rất nhiều khó khăn do “cụ đa” quá nặng và cồng kềnh. Phải mất khoảng 5 ngày, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi huy động một lượng máy móc “khủng” mới di dời được "cụ đa" đến núi Thiên Bút, cách đó khoảng 4km để chăm sóc.

Cây đa đang được trồng trên núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi và được chăm sóc kỹ lưỡng. Ảnh: Ngọc Viên

Sở dĩ tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm tái sinh "cụ đa" vì người dân tỉnh Quảng Ngãi tâm niệm rằng cây đa lâu năm nên rất linh thiêng. Đáp ứng ý nguyện của đông đảo người dân, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan liên quan dùng xe cẩu lớn và nhiều dụng cụ, nhân lực để cắt tỉa, xử lý vết thương cho cây đa cổ thụ.

Công việc này diễn ra tỉ mỉ và đảm bảo bộ rễ được kích thích phát triển trở lại; những vết thương trên vỏ cây, cành, thân cũng được cắt gọn, thoa keo, đảm bảo cây không bị chảy nhựa làm giảm sức sống.

Đơn vị được giao nhiệm vụ chăm lóc cây đa dùng trụ điện bê tông để chằng chống nhằm giúp “cụ đa” đứng vững. Ảnh: Ngọc Viên

 Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cây đa này có tuổi thọ hơn 200 tuổi, là một trong ba cây đa cổ thụ quý ở địa phương. Trước đây hội đã đề nghị công nhận cây di sản cây đa này cùng một cây đa ở núi Long Đầu gần sông Trà Khúc. Cây đa này cũng gắn với lịch sử chống ngoại xâm.

Theo quan sát của phóng viên tại “ngôn nhà mới” của cây đa 200 tuổi ở núi Thiên Bút, hiện cành lá đang phát triển mạnh. Để giúp “cụ đa” đứng vững, đơn vị quản lý chăm sóc đã dùng các trụ điện bê tông, dây cáp chằng chống, dùng lưới che chắn tạo bóng mát, đồng thời lắp hệ đặt hệ thống nước tưới cho “cụ đa” trong những ngày nắng nóng.

Cành lá trên thân “cụ đa” phát triển mạnh. Ảnh: Ngọc Viên

Ông Trần Bảo Phát, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tâm nguyện của bà con là muốn để cây ở lại phường Trương Quang Trọng. Tuy nhiên, qua khảo sát, tại phường Trương Quang Trọng không có vị trí nào mới phù hợp để trồng lại do cây quá lớn, nên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi mới đề xuất đưa về núi Thiên Bút trồng lại.

“Hội sinh vật cảnh đã nỗ lực hết sức mình để tham mưu cho các cơ quan chuyên môn dùng mọi biện pháp để nỗ lực “tái sinh” cây đa. Tuy nhiên, do bộ rễ chính của cây đa này đã bị thoái hóa, rất yếu nên đến giờ mặc dù cây đã phát triển cành lá, nhưng rất khó để đánh giá tỉ lệ sống của cây là bao nhiêu phần trăm” - ông Phát cho biết thêm.

Đơn vị quản lý lắp đặt hệ thống nước tưới để tưới cho “cụ đa” vào những ngày thời tiết nắng nóng. Ảnh: Ngọc Viên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn