MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn chảy qua trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Chánh

Hồi sinh những dòng kênh hàng chục năm ô nhiễm giữa lòng TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 18/07/2023 14:20

Hàng loạt kênh nước đen hồi sinh trong sự hân hoan của các hộ dân xung quanh và cả rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh. Diện mạo đô thị cũng đồng nghĩa với đời sống người dân được nâng cao...

Mỗi buổi chiều, ông Trần Hoàng (nhà gần cầu Bông, quận Bình Thạnh) đều tản bộ qua đường Hoàng Sa tập thể dục dọc kênh Nhiêu Lộc.

Từng là dòng kênh đen, ô nhiễm, phía trên là những dãy nhà chen chúc, ông Hoàng không nghĩ một ngày kênh Nhiêu Lộc được khơi thông với dòng nước trong xanh, hai bên là công viên thoáng đãng như hiện tại.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 9 km, chảy qua Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình.

Gắn bó với kênh Nhiêu Lộc hơn 40 năm qua, người đàn ông 60 tuổi tường tận từng giai đoạn thay đổi của con kênh nổi tiếng Sài Gòn.

"Mấy chục năm về trước, dòng kênh vẫn trong xanh, mát rượi. Mỗi ngày, tàu bè đi lại qua đây dễ dàng, họ chở trái cây, chở cát vào cho dân xây nhà ở…

Thế rồi, tốc độ đô thị hóa, dân cư trong khu vực trở nên đông đúc kéo theo rác thải, ô nhiễm. Dòng kênh xanh biến mất, thay vào đó là mặt nước đen ngòm, hôi thối" - ông Hoàng kể.

Đến năm 2002, TP Hồ Chí Minh triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng, góp phần hồi sinh dòng kênh.

Không có hệ thống cống, toàn bộ nước sinh hoạt và rác thải xả thẳng xuống khiến kênh ngày càng ô nhiễm khủng khiếp từ sau năm 1975. Nhiều người đã từng nói cái gì dơ nhất, tệ nhất, không biết vứt đi đâu thì cứ... vứt xuống kênh.

"Nhiều gia đình có con nhỏ sống ven kênh bị bệnh đường ruột liên miên nên dần dời nhà đi. Những hộ nghèo phải ở lại chịu đựng. Khi đó không ai dám nghĩ một ngày được tản bộ dọc con kênh sạch đẹp thế này” - ông Hoàng kể về thời điểm dòng kênh ô nhiễm nặng.

Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1 m và làm vỉa hè rộng rãi cho người đi bộ.

Tương tự, kênh Hàng Bàng (chảy qua Quận 5, 6) cũng là nỗi ám ảnh hàng chục năm của người dân trong khu vực.

Từng là dòng kênh trong xanh, buổi chiều bà con thường ra ngồi hóng mát, nhưng theo thời gian, kênh Hàng Bàng hoá thành dòng kênh đen, sau đó bị lấp, ô nhiễm.

Năm 2015, TP Hồ Chí Minh khôi phục kênh Hàng Bàng với ba giai đoạn, kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Trong ảnh là đoạn đầu kênh từ đường Lò Gốm tới đường Bình Tiên dài 200 m đã có mảng xanh tươi mát, hai bên bờ thành công viên cho người dân trong vùng.

Ông Hoàng Văn Nam (62 tuổi, Quận 5) nhớ lại, trước đây thường được người dân gọi là rạch Bãi Sậy. Do con kênh nằm gần chợ Bình Tây, Kim Biên... nên dân cư các nơi liên tục đổ về đây sinh sống, buôn bán.

Dọc bờ kênh, nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên chen chúc. Rác sinh hoạt, chất thải xả thẳng xuống kênh khiến dòng nước ngày càng ô nhiễm.

“Nước bẩn, tù đọng khiến ruồi, muỗi, chuột nhanh chóng sinh sôi, phát sinh dịch bệnh” - ông Nam nói.

Nước trên kênh khá trong xanh, hai bên được kè đá kiên cố, lắp lan can và trồng cây xanh, có lối đi bộ.

Kênh Hàng Bàng coi "chết" hẳn, bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Năm 2000, thành phố phải lấp tạm để làm cống hộp, nhưng thời gian chờ đợi kéo dài đã làm con kênh càng ô nhiễm rác thải trầm trọng hơn.

Đến năm 2015, con kênh lại được đào lên để hồi sinh dòng chảy, cải tạo cảnh quan xanh đôi bờ. Dù dự án vẫn còn tiếp tục với những đoạn khác chưa hoàn thành, nhưng riêng đoạn kênh cải tạo hoàn tất cũng đã đem đến niềm vui cho người dân đôi bờ.

"Sáng chiều bà con ra tập thể dục dưới tán xanh bên bờ kênh thay cho cảnh bịt mũi, lánh xa sự ô nhiễm trước đây", ông Nam nói và cho biết, chưa khi nào ông nghĩ đến một ngày đoạn dòng kênh trong xanh, tươi mát như bây giờ.

Hiện, đoạn kênh này được nuôi khá nhiều cá trê, rô phi, diêu hồng...
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang trong quá trình thi công.

Tiếp nối dự án hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hàng Bàng, một loạt kênh đen, ô nhiễm khác ở TP Hồ Chí Minh đã được cải tạo, chỉnh trang như Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn