MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở ăn sâu vào tuyến đường tại khu vực bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thành Nhân

Hơn 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, Bến Tre tổ chức ứng phó

Thành Nhân LDO | 07/11/2023 16:18

Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 134km. Trước nguy cơ mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, Bến Tre xây dựng tổng thể đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn để ứng phó.

Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Đứng trước nhà, chỉ tay về khu sạt lở bờ sông Giao Hoà (huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre), ông Nguyễn Văn Mầu (ngụ ở ấp Hòa Hưng Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) nói: “Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc sạt lở đã làm những căn nhà bị sụp xuống sông, rất may không thiệt hại về người vì họ đã được sơ tán trước đó. Còn gia đình tôi ở đây rất lo sợ không biết còn sạt lở tiếp hay không, nếu không may nó sụp xuống nữa thì rất nguy hiểm”.

Cách nhà ông Mầu không xa, chị Nguyễn Thị Tuyến (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, nhà cách vị trí chỉ khoảng 10m nên rất lo lắng không biết có còn sạt lở nữa hay không. Chị mong muốn địa phương sớm làm kè, tránh tình trạng sạt lở tiếp tục lấn sâu vào.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, sạt lở bờ sông Giao Hòa tại đoạn chảy qua địa bàn 2 xã gồm: Giao Long và An Hóa, với tổng chiều dài khoảng 800 m; làm mất một đoạn dài 45m trên tuyến đường cấp huyện, hiện phải ngưng giao thông nhằm đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, sạt lở cũng gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng như cầu An Hóa, tuyến Quốc lộ 57B. Bên cạnh đó, khu vực sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp.

Còn tại huyện Ba Tri, tình trạng sạt lở, nước biển xâm thực trên địa bàn xã Bảo Thuận, thời gian qua có tổng chiều dài khoảng 4,7 km. Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân. Ngoài ra, còn hư hỏng hoàn toàn 100 m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650 m bờ bao; diện tích đất trồng hoa màu bị ảnh hưởng khoảng 535 ha. Riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16 ha, gây thiệt hại hoàn toàn hơn 45 ha hoa màu của người dân.

Sạt lở ngày càng phức tạp

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 134km.

Theo ông Thắm, trước diễn biến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nêu trên, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bến Tre đã tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức theo dõi, chặt chẽ diễn biến sạt lở. Ngoài ra, cũng thường xuyên thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, triển khai tốt phương châm 4 tại chỗ để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư… để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Ông Thắm cũng cho hay, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên. Tuy nhiên, công tác phòng, chống khắc phục sạt lở trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Theo đó, hiện tại số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới.

Tuy nhiên, mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng…). Ngoài ra, kinh phí đầu tư công trình khắc phục sạt lở rất lớn, trong khi đó nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên chưa xử lý hết các khu vực bờ sông, bờ biển bị ảnh hưởng sạt lở.

Bên cạnh đó, về giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển rất phức tạp, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra giải pháp để xử phù hợp, hiệu quả đối với từng vị trí, khu vực sạt lở.

Người dân khu vực sạt lở lo lắng. Ảnh: Thành Nhân

Ông Bùi Văn Thắm cũng cho biết thêm, hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre để trình HĐND tỉnh phê duyệt tổng thể đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn. Khi được HĐND thông qua thì ngành sẽ tổ chức sắp xếp lại khu dân cư, di dời dân cư ra khởi các khu vực có nguy cơ sạt lở. Qua đó, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn