MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộ dân nuôi cá bè trên hồ Trị An đoạn cầu La Ngà, huyện Định Quán. Ảnh: Hà Anh Chiến

Hơn 2 năm, hàng trăm hộ dân nuôi cá bè chưa di dời

HÀ ANH CHIẾN LDO | 24/06/2023 06:53

Năm 2020 tỉnh Đồng Nai đã triển khai đề án Quản lí, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước, hướng đến mục tiêu nuôi thuỷ sản bền vững trên hồ Trị An. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện xong, còn gặp nhiều vướng mắc.

Đe dọa ô nhiễm nguồn nước Hồ Trị An

Hồ Trị An rộng 32.000 ha có nhiệm vụ cung cấp nước cho thuỷ điện Trị An, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu bao gồm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay trên hồ đang có hàng trăm hộ dân sinh sống và nuôi trồng thuỷ sản trên các lồng bè, mang theo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước quan trọng này. 

Theo thống kê, trên hồ Trị An có gần 600 hộ dân cùng số bè tương đương và trên 3.000 lồng nuôi thuỷ sản. Trong đó, tập trung đông nhất trên địa bàn huyện Định Quán với gần 400 hộ với số bè tương đương, cùng hơn 2.000 lồng nuôi. Các hộ dân sinh sống trên vùng lòng hồ Trị An từ khi có công trình thuỷ điện Trị An bắt đầu tích nước đến nay. 

Ngoài các hộ nuôi cá bè khu vực La Ngà của huyện Định Quán, trên hồ Trị An còn có các hộ nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn, Ngọc Định cũng thuộc huyện Định Quán; xã Mã Đà và thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu. 

Việc nuôi thủy sản lồng bè của người dân trên hồ Trị An, trong đó làng bè nuôi thủy sản đoạn sông La Ngà, huyện Định Quán neo đậu dày đặc cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước.

Do đó, việc triển khai đề án quản lí, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An còn góp phần ngăn chặn tình trạng các vùng nuôi cũ do bố trí bè không hợp lí, vùng nuôi không phù hợp, thường xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho biết: Các hộ dân cũng đã chấp nhận di dời về vùng nuôi số 5. Theo quy hoạch của tỉnh, hiện còn các hộ sinh sống ven cầu La Ngà chủ yếu là để ở chứ không chăn nuôi cá, còn các hộ chăn nuôi cá đã thu hoạch hết, chờ di dời.

Gia đình anh Trịnh Trọng Hiếu, sinh sống trên làng bè sông La Ngà nhưng không chăn nuôi thuỷ sản. Anh Hiếu cho biết, sinh sống trên hồ Trị An là do cuộc sống khó khăn, không có đất đai xây dựng nhà cửa. Hiện gia đình anh có tới 5 người con, công việc thu nhập của hai vợ chồng rất bếp bênh. Mơ ước của anh là được Nhà nước tạo điều kiện để di dời tới nơi ở mới.

Đề án còn bất cập, phải xin điều chỉnh

Đề án Quản lí, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An được triển khai vào khoảng đầu năm 2020. Nhưng sau hơn 2 năm triển khai, vẫn chưa xong mà phải xin điều chỉnh. 

Theo đó, vùng sắp xếp, quản lí nuôi cá bè trên hồ Trị An được chia thành 8 vùng nuôi, tổng số lồng bè trên hồ Trị An được bố trí sắp xếp 618 bè kèm theo 1.236 lồng, phân chia chỉ tiêu số bè, lồng sắp xếp theo điều kiện thực tế tại từng xã. 

Tuy nhiên, thực tế tính số hộ nuôi trên hồ Trị An cùng số lồng bè nuôi thuỷ sản cao hơn mức đề nghị của dự án. Trong đó, tập trung đông nhất trên địa bàn huyện Định Quán với gần 400 hộ với số bè tương đương, cùng hơn 2.000 lồng nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai - đơn vị chủ trì dự án - cho biết: Hiện nay đề án chung của tỉnh Đồng Nai đang được điều chỉnh lại thời gian, và cũng đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án số 1 - tính toán chi tiết cụ thể sắp xếp lồng bè.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Võ Tấn Nhẫn - Giám đốc Công ty thuỷ điện Trị An - cho biết: Việc quy hoạch các hộ dân lồng bè trên hồ Trị An, địa phương đều có các quy chuẩn, đều được quan trắc, đánh giá quản lí chất lượng nguồn nước. 

Ngày 21.6, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải toả lồng bè dôi dư trên hồ Trị An. Theo đó, dự án khảo sát 200 hộ trên lòng hồ Trị An gồm 100 hộ khu vực nuôi cá lồng bè tại xã Phú Ngọc, xã La Ngà (huyện Định Quán) và chọn 100 đại diện các hộ nuôi tại xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán), xã Mã Đà, Suối Tượng, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). 

Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có kinh phí thực hiện trên 1,5 tỉ đồng, còn kinh phí giai đoạn 2 sẽ được xây dựng theo phương án đề xuất của giai đoạn 1 sau khi được phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn