MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tự đầu tư máy bơm thủy lợi để phòng chống ngập lụt. Ảnh: Đoàn Hưng

Hơn 20 hộ dân thường xuyên bị ngập do chênh cốt nền tại TP Móng Cái

Đoàn Hưng LDO | 18/12/2023 18:48

Do có cốt nền cao hơn nhiều so với cốt nền hiện trạng khu dân cư nên Dự án hạ tầng tái định cư thuộc khu 5, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đang khiến cho cuộc sống của hơn 20 hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu bị đảo lộn, lo lắng nhất là cảnh ngập lụt khi trời mưa.

Dự án hạ tầng khu tái định cư rộng 9,7ha do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDADTXD) TP Móng Cái làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2023.

Khi triển khai thi công thì cốt san nền của dự án cao hơn cốt xây dựng nhà dân từ 0,8-1,5m, dẫn tới ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân tiếp giáp dự án.

Mưa lớn gây lụt lội một số hộ dân thời điểm tháng 5.2023. Ảnh: Người dân cung cấp

Tiếp và trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động ngày 13.12, ông Phạm Ngọc Hiển, tổ 3, khu 5, phường Hải Yên dẫn phóng viên đi xem hiện trạng ngôi nhà vá víu, xập xệ của gia đình.

Ông cho biết: “Hiện gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Mùa hanh khô thì bụi cuốn mù mịt, phủ trắng đồ đạc trong nhà, thi thoảng mới thấy đơn vị thi công chở một xe nước dập bụi nhưng cũng không ăn thua.

Cứ mưa to là ngập lụt, có hôm ngập đến đầu gối, vì cả khu không có hệ thống thoát nước, khi nước rút để lại bùn đất, mùi hôi thối, nhà ngày càng lún thấp, hệ thống vì kèo bị mọt mối. Nhưng gia đình vẫn không dám sửa chữa bởi dự án vẫn đang dang dở, chưa biết thế nào”.

Cốt nền khoảnh ruộng cũ chênh với cốt nền hiện trạng khu tái định cư 1,5m. Ảnh: Đoàn Hưng

Để ứng phó tạm thời, người dân đã chủ động đầu tư máy bơm thủy lợi phòng chống ngập úng.

Người đầu tư máy bơm, anh Trần Văn Hưng, khu 5, phường Hải Yên chia sẻ: “Khu vực này vốn là đồng ruộng. 3 năm trước, thành phố triển khai Dự án hạ tầng tái định cư. Từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xưởng gỗ của gia đình thiệt hại nhiều. Máy móc chạy bằng điện ngập nước hỏng nguồn nên phải thay tụ, thay mô tơ. Trận mưa gần đây nhất, vào tháng 5.2023, gia đình bị hỏng 5 tủ gỗ, 6 cái giường làm bằng gỗ công nghiệp thiệt hại tầm 130 -140 triệu đồng. Mỗi lần mưa ngập là cả gia đình phải tát nước và kê lại đồ đạc cả đêm như chạy nạn nhưng cũng không ăn thua.

Để ứng phó, gia đình đã mua máy bơm thủy lợi công suất 32 KW với giá 80 triệu đồng. Tiền đầu tư lớn, song chi phí để chạy máy bơm cũng không hề nhỏ, tháng nào có mưa sẽ mất tầm 12-13 triệu tiền điện.

Toàn cảnh khu vực tiếp giáp khu tái định cư và khu dân cư bị ngập. Ảnh: Đoàn Hưng

Làm việc với phóng viên Báo Lao Động ngày 13.12, ông Trương Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Móng Cái - cho biết: “Nguyên nhân của việc ngập úng về bản chất là do không đồng bộ hạ tầng giữa các khu dân cư. Trước đây, khu dân cư ở khu vực cao, nước thải tự nhiên chảy xuống vùng thấp là khu vực hiện trạng đang làm khu tái định cư. Mỗi khi mưa bão, Ban đều cử người, máy móc trực sẵn sàng xử lý ngập úng cho nhân dân.

"Để giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, Ban đã chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu khảo sát, đề xuất UBND Thành phố đầu tư mới hệ thống rãnh thu nước thải phía sau các hộ dân, cùng với đó bổ sung hệ thống kè chắn đất tại các vị trí chênh cốt lớn so với cốt khu dân cư hiện trạng" - ông Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn