MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bãi tắm tuyệt đẹp giữa vịnh Hạ Long nhưng có biển cấm tắm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hơn 200 bãi tắm giữa vịnh Hạ Long chỉ mở 1: Lại chờ thêm vài mùa hè nữa

Nguyễn Hùng LDO | 25/05/2023 15:20

Quảng Ninh - Khi Ban Quản lý vịnh Hạ Long trình phương án quản lý, khai thác một cụm bãi tắm giữa vịnh Hạ Long thì nhiều du khách hy vọng hè này sẽ không còn tình trạng đi du lịch 2-3 ngày trên vịnh Hạ Long mà không được tắm biển. Tuy nhiên, với công văn trả lời mới đây của UBND TP Hạ Long thì trong vòng ít nhất 1-2 năm tới, hàng triệu du khách vẫn phải sử dụng chung một bãi tắm duy nhất trên vịnh Hạ Long.

Lại rơi vào ngõ cụt

Trong công văn trả lời Ban Quản lý vịnh Hạ Long về việc phê duyệt phương án quản lý, khai thác Cụm bãi tắm Trà Sản – Cống Đỏ giữa vịnh Hạ Long, UBND TP.Hạ Long khẳng định, cụm bãi tắm này phù hợp với Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trời nắng nóng, nhưng du khách không được tắm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuy nhiên, đến nay, các quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 đã hết hiệu lực. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 6388/UBND-QH 1, ngày 16.9.2020 giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long tham mưu triển khai lập Quy hoạch bao tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, nhưng đến nay, Quy hoạch này chưa được phê duyệt.

Để có căn cứ đánh giá cụm bãi tắm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12837:2019 ISO 13009:2015, UBND TP Hạ Long đề nghị Ban quản lý vịnh Hạ Long đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau khi Quy hoạch được duyệt, UBND thành phố sẽ thực hiện đánh giá, công bố bãi tắm đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

Bãi tắm Ti-tốp - bãi tắm duy nhất trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Được biết, ngày 10.5.2023, UBND tỉnh Quảng Ninh mới có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định “Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghĩa là, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch, Quảng Ninh mới tiến hành lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long mới và sau đó TP Hạ Long sẽ đánh giá, công bố bãi tắm đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

Quy trình này, theo một số chuyên gia làm quy hoạch, sẽ mất ít nhất 2 năm; đồng nghĩa với việc, nhanh nhất thì đến 2025, vịnh Hạ Long mới có thêm bãi tắm phục vụ du khách.

Cuộc đua văn bản gỡ rối cho bãi tắm

Báo Lao Động có nhiều bài viết từ năm 2019, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của du khách thập phương, nhất là du khách quốc tế, khi đi du lịch dài ngày trên vịnh Hạ Long nhưng không được tắm.

Những điểm dừng chân trên đường tàu ghé qua đều có những bãi cát rất đẹp, nằm ven chân các núi đá nhưng du khách không được tắm, dù trong những ngày nóng nực.

Giữa vịnh Hạ Long có hàng trăm bãi cát đẹp như thế này nhưng không được tắm vì vướng các quy định, thủ tục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, giữa vịnh Hạ Long có khoảng 200 bãi cát đẹp như thế và hoàn toàn có thể biến thành các bãi tắm phục vụ du khách.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có duy nhất bãi tắm Ti-tốp nằm trên tuyến số 2 được phép khai thác du lịch. Các tuyến còn lại, nhất là tuyến số 3 và 4 có rất nhiều bãi tắm đẹp nhưng không được tắm vì chưa được công nhận, trong khi đây là những tuyến chủ yếu phục vụ khách quốc tế hoặc khách chi trả cao.

Việc không thể mở thêm các bãi tắm giữa vịnh Hạ Long lúc đầu là do vướng Quyết định 2526 của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 23.9.2013 về Quy chế quản lý bãi tắm du lịch.

Đúc biển “Cấm tắm” để cắm trên các bãi cát đẹp dưới chân núi giữa vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Điểm bất cập là các tiêu chuẩn của bãi tắm rộng vài chục m2 hay hàng km2 giống nhau. Cụ thể, các bãi tắm phải có: Hệ thống điện, ít nhất 2 nhà tráng nước ngọt với mỗi nhà tắm rộng ít nhất 25m2, khu vệ sinh công cộng, hệ thống thu gom và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường…Những quy định này khiến việc mở bãi tắm giữa vịnh Hạ Long là bất khả thi bởi không có nhiều bãi tắm rộng như bãi tắm Ti-tốp.

Trong khi đó, bên vịnh Lan Hạ của Hải Phòng, du khách có thể ghé vào bất kỳ bãi cát nào để tắm.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc mở thêm bãi tắm giữa vịnh Hạ Long, sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hủy bỏ các quy định về bãi tắm theo hướng cởi mở hơn và giao cho UBND TP Hạ Long phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì xây dựng các tiêu chí để khai thác các bãi tắm nhỏ giữa vịnh Hạ Long.

Ngày 4.4.2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long xây dựng Phương án tạm thời về quản lý, vận hành các bãi tắm, cụm bãi tắm trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với một bãi tắm sẽ đơn giản, khả thi hơn, để sớm các bãi tắm giữa vịnh Hạ Long vào phục vụ du khách.

Tiếp đó, tháng 4.2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đề xuất mở một cụm 5 bãi tắm tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ, nằm trên tuyến du lịch số 4 và vừa hoàn thiện phương án quản lý, khai thác trình UBND TP Hạ Long phê duyệt.

Tuy nhiên, việc mở cụm bãi tắm này lại rơi vào bế tắc do Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 đã hết hiệu lực, và muốn mở thêm bãi tắm thì phải xây dựng lại quy hoạch vịnh Hạ Long mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn