MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 3,7 triệu lao động được giải quyết việc làm

T.K LDO | 06/09/2019 21:00
Trải qua bề dày 17 năm triển khai thực hiện, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp cho hơn 3,7 triệu lao động được giải quyết việc làm.

Hơn 17.000 tỷ đồng nguồn vốn cho vay

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH), tính đến hết tháng 7.2019, nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm đạt 17.286 tỷ đồng (tăng 15.290 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước năm 2003). Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.525 tỷ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động là 4.010 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là 8.751 tỷ đồng.

Với nguồn vốn trên, doanh số cho vay giải quyết việc làm đến tháng 7.2019 đạt 46.938 tỷ đồng, với gần 2,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn, giúp cho hơn 3,7 triệu lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ông Nguyễn Văn Tú. - Phó Giám đốc Ban tín dụng học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Ban tín dụng học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay giảm đều qua các năm. Tại thời điểm nhận bàn giao năm 2003, nợ quá hạn là 143 tỷ đồng thì đến hết tháng 7.2019 chỉ còn 56,9 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 0,33% trên tổng dư nợ).

Hiện nay, bên cạnh chính sách lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, chương trình còn áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi đối với người lao động là người khuyết tật, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số; khi vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được ưu đãi lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo.

Nhờ đó, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và hạn chế, đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Góp phần hiệu quả trong hỗ trợ giải quyết việc làm

Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại NHCSXH không ngừng được mở rộng.

Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

 Nhờ vốn vay giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.

Từ năm 2015 đến hết tháng 5.2019 có 552 nghìn lao động nữ, 40 nghìn lao động là người khuyết tật và 77 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số đã được tạo việc làm từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm.

Mặt khác, nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và trở thành mô hình kinh tế điển hình như làng nghề bó chổi ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; hay mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh…

Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; đồng thời, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và người thân của họ…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tú, nguồn lực để thực hiện cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Năm 2016, năm 2017, năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho vay chủ yếu bằng vốn thu hồi nợ, nguồn vốn huy động nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; không có nguồn vốn từ Quỹ để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Trong những năm qua, NHCSXH đã thực hiện tốt việc cấp tín dụng chính sách cho các đối tượng hưởng thụ ở khắp các vùng miền, thông qua mô hình chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường trên toàn quốc.

Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến hết tháng 7.2019 là 17.156 tỷ đồng với hơn 527 nghìn khách hàng còn đang dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 33 triệu đồng/lao động. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn