MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập của thợ lò ngày một được cải thiện. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hơn 3.800 thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Nguyễn Hùng LDO | 11/07/2022 10:44

Quảng Ninh - Số lượng thợ lò của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có mức thu nhập bình quân từ 23-25 triệu đồng/tháng (khoảng 1.000 USD) tiếp tục tăng. Trong đó, đã xuất hiện thêm những thợ lò đạt mức thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Tính đến cuối năm 2021, số thợ lò có thu nhập khoảng 1.000 USD/người/tháng là khoảng 3.300 người. Qua rà soát, đến hết tháng 6 năm 2022, đã có thêm khoảng 500 thợ lò lọt vào danh sách này, nâng tổng số thợ lò đạt mức thu nhập trên 1.000 USD/người/tháng là khoảng 3.800 người.

Theo ông Lê Thanh Xuân – Chủ tịch Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam – một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng thợ lò đạt mức thu nhập khoảng 1.000 USD/người/tháng là do những tháng đầu năm nay, TKV tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường, nên thợ lò cũng tăng thêm ngày giờ công lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thăm, động viên, tặng quà cho thợ lò Công ty than Thống Nhất đang làm việc dưới hầm lò ngày 21.6.2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Với mức thu nhập trên, tính ra tổng thu nhập mỗi năm của khoảng 3.800 thợ lò trên thấp nhất là 300 triệu đồng/năm. Trong số này, có một số thợ lò đạt mức thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, tương đương hơn 41 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của TKV, số lượng thợ lò có thu nhập cao, trên 300 triệu đồng/năm, những năm gần đây liên tục tăng mạnh.

Nếu như năm 2018, số thợ lò của 14 công ty khai thác than hầm lò ở Quảng Ninh có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên chỉ hơn 700 người thì năm 2019 đã lên tới hơn 2.600 người.

Năm 2021, số thợ lò có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên là hơn 3.200 người.

Đứng đầu trong số các công ty khai thác than có số thợ lò có thu nhập cao vẫn là Công ty CP than Hà Lầm, Công ty CP than Vàng Danh, Công ty CP than Mạo Khê…

Lý giải về mức thu nhập của thợ lò và số lượng thợ lò có mức thu nhập cao tăng, đại diện các công ty than cho rằng chủ yếu là do sản lượng tăng, nhờ đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào khai thác.

Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân của thợ lò từ 20 – 25 triệu/người/tháng dù cao hơn với mặt bằng chung, nhưng không thể so sánh về mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại của thợ lò.

Chưa kể, thời gian công tác của thợ lò thường ngắn hơn so với các ngành nghề khác, thậm chí nhiều người chỉ làm việc đến khoảng 45-46 tuổi là xin chuyển việc khác vì không còn đủ sức khỏe.

Trong khi đó, dù làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nhưng thợ lò vẫn phải đóng thuế thu nhập cao như bất cứ ngành nghề nhẹ nhàng khác.

Ông Lê Thanh Xuân – Chủ tịch Công đoàn TKV – cho biết, việc xem xét nâng mức phải đóng thuế thu nhập cho thợ lò đã được ngành than nhiều lần kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với cử tri ngành than mới đây tại Quảng Ninh, vấn đề này tiếp tục được đưa ra.

Theo báo cáo của TKV, 6 tháng đầu năm 2022, kết quả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của TKV đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng than than nguyên đạt 21,96 triệu tấn, bằng 56% kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt 24,32 triệu tấn, bằng 57% kế hoạch  năm; bốc xúc đất đá đạt 78 triệu m3, bằng 47% kế hoạch năm.

Tỉ lệ tồn kho than nguyên khai của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm được giữ ở mức độ thấp kỷ lục. Điều này phản ánh sức nóng của thị trường, qua đó cho thấy năng lực sản xuất, tiêu thụ, cung ứng than của TKV.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 80.000 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 2.000 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt trên 11.000 tỉ đồng, bằng 61% kế hoạch năm; tiền lương bình quân của người lao động toàn Tập đoàn đạt 14,16 triệu đồng/người-tháng, bằng 103,8% KH năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn