MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 40 hộ dân xã nông thôn mới nâng cao ở Cần Thơ chống xuồng đi nhờ đường

Tạ Quang LDO | 21/02/2024 07:11

Cần Thơ - Ghe, xuồng là phương tiện duy nhất để di chuyển của hơn 40 hộ dân thuộc ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Các hộ dân chia sẻ, hàng chục năm nay, mỗi lần muốn đi đâu đều phải chống xuồng qua kênh đi nhờ đường nội bộ của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Sống tại nơi không có đường đi khoảng 60 năm, ông Phạm Quang Sanh (sinh năm 1964) cho biết, dưới bến của mỗi hộ dân ở đây đều có một đến hai chiếc ghe, xuồng để bơi qua con kênh sang đường Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rồi từ đó mới có đường đi.

Dọc con kênh bên phải, hàng chục hộ dân không có đường đi. Ảnh: Tạ Quang

Theo ông Sanh, xe máy, xe đạp của người dân đều phải để bên kia kênh vì cồng kềnh không thể mang về nhà và người dân cũng đã quen với cảnh việc để xe nhờ và đi nhờ đường của Viện lúa.

Không có đường đi, người dân buộc phải dùng ghe, xuồng để qua kênh. Ảnh: Tạ Quang

“Thời gian gần đây, các hộ dân bị mất xe máy thường xuyên, có gia đình mặc dù đã khóa cẩn thận nhưng vẫn bị lấy trộm 2 bánh xe. Mới đây, vì đảm bảo an ninh, Viện lúa ĐBSCL bổ sung quy định 5h sáng mở cổng, 19h đóng cổng. Người dân nếu muốn ra vào phải đội mũ bảo hiểm do Viện lúa cấp" - ông Sanh nói.

Còn ông Nguyễn Thành Quang (63 tuổi) cho rằng, những lúc bình thường thì không sao, nhưng lúc ốm đau, bệnh nặng là một vấn đề rất lớn vì không có đường. Còn vào mùa mưa thì nhiều nhà không thể đi nổi, làm gì đi đâu cũng bất tiện.

Căn chòi để xe tạm bên kia kênh của một hộ dân. Ảnh: Tạ Quang

Ngày ngày phải đưa 2 con đi học qua con kênh, chị Trần Thị Hết (39 tuổi) chia sẻ, dù bận thế nào chị vẫn phải đưa đón các con đi học, không thể để các con tự đi được vì còn quá nhỏ.

Cũng theo chị Hết, nhiều lúc đưa các con qua sông còn bị ngã ướt hết người, sách vở và phải nghỉ học.

Mặc dù đã được khóa cẩn thận nhưng chiếc xe này vẫn bị tháo mất 2 bánh. Ảnh: Tạ Quang

Về vấn đề trên, ông Trần Võ Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) - xác nhận, hiện tại, có hơn 40 hộ dân ở ấp Thới Phước 1 không có đường đi, phải đi nhờ đường nội bộ của Viện lúa ĐBSCL. Địa phương đã kiến nghị lên UBND huyện Thới Lai nhiều lần để xây dựng con đường cho người dân đi, nhưng do thiếu nguồn vốn nên chưa được đầu tư.

Ông Trần Võ Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Ảnh: Tạ Quang

Ông Nghiệp thông tin thêm, năm 2024, huyện đã có chủ trương đầu tư con đường này với tổng chiều dài toàn tuyến 2km, dọc theo tuyến kênh của Viện lúa ĐBSCL với chiều rộng 2m, dày 10cm.

Theo kế hoạch, người dân tự sửa nền hiến đất, hoa màu, kiến trúc trên đất. Nhà nước sẽ đầu tư phần đường mặt cứng 100%. Và trong năm 2024, sẽ sớm hoàn thành đưa tuyến đường vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như sản xuất hoa màu của người dân.

Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng cho hay, khi đường thi công xong, những hộ dân ở đây còn thiếu 2 cây cầu bắc qua kênh, nhưng đến nay vẫn chưa có vốn.

Đối với yêu cầu của Viện lúa ĐBSCL phải có giấy xác nhận khi ra vào đường nội bộ, ông Nghiệp cho biết, trong thời gian chờ làm đường, người dân vẫn phải đi lối cũ, địa phương sẽ hỗ trợ tối đa các trình tự, thủ tục theo yêu cầu của Viện lúa ĐBSCL.

Ngày 17.2.2023, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ký ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc công nhận xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã Tân Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, với số phiếu là 22/23 phiếu, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đủ điều kiện để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn