MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu 160 biệt thự bỏ hoang của Công ty Đệ Tam tại dự án Vsip Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Hơn 400 biệt thự bỏ hoang và loạt sai phạm trong chuyển nhượng dự án tại Bắc Ninh

Trần Tuấn LDO | 09/03/2024 07:08

Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh chuyển nhượng 1 phần dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh Khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh cho 2 doanh nghiệp. Tuy vậy, quá trình chuyển nhượng, phát triển hai dự án có nhiều vi phạm. Đến nay, theo ghi nhận của Báo Lao Động, tại hai dự án này có hơn 400 biệt thự bỏ hoang.

Hơn 400 biệt thự bỏ hoang

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại dự án Garden House VSIP Bắc Ninh của Công ty Cổ phần Đệ Tam (Công ty Đệ Tam) tại Khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (phường Phù Chẩn, TP Từ Sơn, Bắc Ninh).

Giai đoạn 2018 - 2021, dự án này từng được quảng bá rầm rộ trên nhiều trang tin, mạng xã hội với những mỹ từ như: "Thỏi nam châm hút sóng đầu tư", "khả năng sinh lời lớn", "sở hữu những ưu điểm vượt trội".

Chủ đầu tư dự án cho biết, dự án này có diện tích 2,058ha và cung cấp ra thị trường 160 căn nhà phố thương mại và định hướng trở thành một khu đô thị kiểu mẫu tại "thủ phủ FDI" Bắc Ninh, dự kiến bàn giao quý IV/2022.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm này, dù đã xây dựng xong phần thô từ nhiều năm nhưng đến nay, hàng loạt biệt thự của Công ty Đệ Tam tại Dự án VSIP Bắc Ninh vẫn vắng bóng người ở.

Cũng nằm trong Khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh, chúng tôi ghi nhận tình trạng bỏ hoang tương tự đối với 246 căn biệt thự nhà phố do Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương (Công ty Bình Dương) làm chủ đầu tư.

Tại khu biệt thự này, ngoài phần thô khối nhà đã cơ bản hoàn thành thì các hạng mục khác vẫn ngổn ngang, dang dở.

Thanh tra phát hiện hàng loạt vi phạm

Mới đây, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã có kết luận thanh tra về 2 dự án trên, qua đó phát hiện hàng loạt vi phạm trong việc đầu tư đất đai, chuyển nhượng và triển khai dự án.

Tiến độ thực hiện hoàn thành các công trình xây dựng trên đất của hai dự án được xác định là trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 dự án đều chưa hoàn thành, bàn giao để đưa vào sử dụng. Nhà đầu tư cũng chưa điều chỉnh tiến độ của dự án theo quy định.

Công ty Vsip Bắc Ninh ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh cho Công ty Đệ Tam khi chưa có văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, Công ty Vsip Bắc Ninh đã tiến hành bàn giao đất cho Công ty Đệ Tam và Công ty Bình Dương trước khi UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định thu hồi đất và giao đất chưa đúng quy định Luật Đất đai 2013.

Về điều kiện kinh doanh bất động sản, kết luận thanh tra xác định, năm 2019, Công ty Đệ Tam đã ký 27 hợp đồng nguyên tắc dưới hình thức huy động vốn để ưu tiên đăng ký, hưởng quyền mua lô đất tại dự án cho bên được huy động vốn, khi chưa có thông báo đủ điều kiện huy động vốn của Sở Xây dựng, vi phạm quy định của Luật Nhà ở.

Trong khi đó, Công ty Bình Dương đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Hà Nội thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trước khi công ty bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 91 lô chuyển nhượng trong năm 2023. Việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính còn chưa đầy đủ đối với 155 lô công ty đã chuyển nhượng năm 2022.

Về xây dựng, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng phát hiện, toàn bộ nghiệm thu phần hạ tầng tại dự án của Công ty Đệ Tam đều ghi nhầm địa điểm nghiệm thu. Thanh tra tính toán lại trên hồ sơ dự án bản vẽ thiết kế thi công do chủ đầu tư cung cấp với tổng số tiền chênh lệch giảm 10,319 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại dự án của Công ty Bình Dương, công tác lập dự toán áp sai đơn giá vật liệu, vận dụng một số định mức ở một số công tác chưa phù hợp. Đoàn thanh tra tính toán giảm trừ so với hồ sơ dự toán của Công ty Bình Dương đã lập với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.

Yêu cầu Công ty Vsip Bắc Ninh rút kinh nghiệm
Đối với Công ty Vsip Bắc Ninh, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kết luận, thời điểm thanh tra, các hành vi vi phạm hành chính nêu trên đã hết thời hiệu và công ty này đã khắc phục. Vì vậy, đoàn Thanh tra không kiến nghị xử phạt hành chính, chỉ yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn