MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Đ.T

Hơn 8.600 người có việc làm qua phiên giao dịch trực tuyến

LƯƠNG HẠNH LDO | 29/11/2021 13:23
Mới đây, tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố đã thu hút 78 đơn vị tham gia tuyển dụng với hơn 8.600 vị trí việc làm. Đây là tín hiệu mừng về cơ hội của thị trường lao động Việt Nam trong đại dịch COVID-19.

8.600 vị trí việc làm

Theo phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng trở lên với hơn 260 vị trí tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, khả năng chịu áp lực công việc cao.

 Trung tâm thực hiện giải pháp về thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động phục hồi sản xuất dịp cuối năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Mức lương trên 7 - 10 triệu đồng/tháng chiếm tỉ lệ 32% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề...

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, phiên giao dịch việc làm kết nối với các tỉnh là Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá.

Qua đó, trung tâm thực hiện giải pháp về thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động phục hồi sản xuất dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, người lao động cũng tìm kiếm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động.

Gần dịp lễ, Tết. Đây là lúc mà các đơn vị cần nguồn lao động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Thành cho biết thêm, phiên giao dịch việc làm tổ chức gần dịp lễ, Tết. Đây là lúc mà các đơn vị cần nguồn lao động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất.

Đánh giá về thị trường lao động dịp cuối năm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tốc độ tiêm chủng nhanh nên thành phố thực hiện chính sách nới lỏng giãn cách. Tình hình kinh tế phát triển dẫn đến thị trường lao động có những khởi sắc.

Qua thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động qua kênh trên tăng. Ngoài lao động toàn thời gian, các đơn vị gia tăng tuyển dụng lao động bán thời gian phục vụ dịp lễ, Tết.

Cần có sự vào cuộc từ nhiều phía

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá cao việc các doanh nghiệp có sự hợp tác với trung tâm dịch vụ việc làm để chia sẻ thông tin.

“Nếu các doanh nghiệp phối hợp được điều này thì rất có lợi với doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa rất quan trọng. Cần tạo điều kiện hết cỡ cho doanh nghiệp khai báo thông tin về thị trường lao động với thủ tục hết sức đơn giản. Vấn đề làm việc từ xa là vấn đề đại sự” - ông Trung chia sẻ.

Ông Trung cũng đề xuất về giải pháp giải quyết tồn tại về việc khát nhân lực, thị trường lao động. Ông Trung cho rằng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho từng doanh nghiệp cần phải xem xét các khía cạnh các bên.

Với doanh nghiệp, họ phải xác định phương án khôi phục, phát triển sản xuất. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho 1 đơn vị phát triển. Phải hỗ trợ giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại người lao động mới có việc làm. Doanh nghiệp khoẻ mới có việc làm tốt.

Để thu hút người lao động quay trở lại phải chứng minh doanh nghiệp tốt, có biện pháp đảm bảo an toàn, có chính sách về an sinh xã hội, y tế… Doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quy định pháp luật, công khai minh bạch. Cần có thoả ước lao động hết sức tốt để cam kết với người lao động, có sức hút với người lao động. Doanh nghiệp có phương án đào tạo, sử dụng để người lao động có sự thăng tiến trong công việc.

Đối với nhà nước, chính quyền các địa phương cần có đề án giao rõ hoạt động, trách nhiệm từng cơ quan để liên kết có đề án tổng thể thu hút lao động, đầu tư. Nhà nước cần có gói khôi phục cho doanh nghiệp, thị trường lao động sau đại dịch.

Có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Tăng cường công tác đào tạo cho người lao động. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sử dụng lao động. Cần có dự án lớn về khôi phục phát triển sản xuất, thu hút nhân lực.

Bên cạnh đó, cần có các dự án nhỏ cho từng đối tượng như người trở về địa phương, người trở lại làm việc, sinh viên ra trường trong bối cảnh COVID-19…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn