MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân làm thủ tục thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: Hà Anh

Hơn 88,37 nghìn tỉ đồng thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

việt lâm LDO | 19/10/2023 08:12

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) tính đến hết tháng 9.2023 ước đạt 91,746 triệu người, tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến đến hết năm 2023, số người tham gia BHYT là khoảng trên 93,6 triệu người, chiếm khoảng 93,22% dân số toàn quốc.

Hơn 127,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT

Trong 9 tháng đầu năm 2023, cơ quan BHXH đã đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT với hơn 127,4 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT và chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là hơn 88,37 nghìn tỉ đồng.

BHXH các tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với 2.830 cơ sở KCB BHYT; thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2022 đúng tiến độ; tham gia vào quá trình lựa chọn nhà thầu đối với danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá; BHXH các tỉnh tham gia vào hội đồng đấu thầu tập trung cấp địa phương, hội đồng đấu thầu thuốc tại các cơ sở KCB theo quy định, đạt kết quả tốt trong mục tiêu lựa chọn thuốc chất lượng với giá cả hợp lý…

BHXH Việt Nam cũng cho biết, công tác thực hiện chính sách BHYT vẫn còn rất nhiều tồn tại hạn chế, cần được khắc phục.

Thống kê cho thấy, BHXH một số tỉnh đã gia tăng chi phí KCB BHYT, với ước vượt dự toán chi đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 tại Quyết định số 877/QĐ-TTg. Trong đó, có 24 BHXH tỉnh có tỉ lệ sử dụng dự toán chi KCB BHYT cao hơn mức bình quân chung của cả nước (78,52%) là: Vĩnh Phúc (87,65%), Phú Thọ (86,99%), Cà Mau (85,37%), Thanh Hóa (84,89%), Đắk Lắk (83,47%)...

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, công tác giám định chi phí KCB BHYT vẫn chưa đạt yêu cầu thực tế đặt ra. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT xảy ra tại các phòng khám tư nhân tỉnh Đồng Nai, các Bệnh viện tại Nghệ An, tại Trạm y tế tỉnh Hà Nam…

Nguyên nhân gia tăng chi phí KCB BHYT

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến giao ban, tập huấn toàn ngành về công tác thực hiện chính sách BHYT năm 2023, do BHXH Việt Nam tổ chức, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: Số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT năm 2023 gia tăng đáng kể so với năm trước.

BHXH các tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với 2.830 cơ sở KCB BHYT (trong đó có 1.784 cơ sở công lập, 1.046 cơ sở ngoài công lập), tương ứng với 46 cơ sở tuyến Trung ương, 563 cơ sở tuyến tỉnh, 1.938 cơ sở tuyến huyện và 142 y tế cơ quan (tương đương tuyến xã).

Nhiều yếu tố gia tăng chi phí KCB BHYT cần được quan tâm trên cơ sở phân tích dữ liệu đề nghị thanh toán từ cơ sở y tế. Đó là việc chỉ định rộng rãi hơn các dịch vụ kỹ thuật với việc gia tăng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (CĐHA); nhiều cơ sở y tế chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi, với nhiều trường hợp bệnh nhẹ không cần thiết phải nằm viện như điều trị tủy răng, viêm họng cấp, điều trị theo y học cổ truyền, phục hồi chức năng; nhiều vụ việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đã được cơ quan chức năng phát hiện, lập chuyên án...

Nhiều hội đồng đấu thầu thuốc vẫn đưa vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương các mặt hàng cùng hoạt chất, hàm lượng ít cạnh tranh, có giá kế hoạch cao, dẫn đến giá thuốc trúng thầu cao. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc xuất hiện tại 21/63 tỉnh, trong đó 5 tỉnh thiếu do chậm trễ trong công tác đấu thầu.

Tại nhiều địa phương, một số thuốc có giá thuốc trúng thầu cao bất hợp lý so với thuốc đấu thầu tập trung quốc gia…

Những bất cập tương tự cũng được chỉ ra trong sử dụng vật tư y tế (VTYT). Theo đó, với tổng mức chi là trên 10.481,9 tỉ đồng (chiếm 10,35% tổng chi KCB BHYT). Tổng chi 10 loại VTYT chiếm tỉ trọng lớn chiếm tới 66,15% tổng chi VTYT, và cũng là những vật tư có chi phí lớn, với dải giá rộng, sử dụng tần suất cao.

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đã nêu vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là tình trạng thiếu thuốc và VTYT vẫn được phản ánh diễn ra tại nhiều địa phương trong khi số chi từ Quỹ KCB BHYT năm 2023 tăng cao. Do đó, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện đánh giá, phối hợp với ngành y tế, phối hợp chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp kiểm soát giá thuốc, chỉ định thuốc hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn