MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ảnh: Vũ Hoàng

Hơn nửa tháng phân làn, ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi vẫn chưa "hạ nhiệt"

VĨNH HOÀNG LDO | 27/08/2022 11:28

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng từ ngày 6.8 đến 6.9. Dù việc này đã diễn ra được hơn nửa tháng, song tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Như mọi ngày trên đường Nguyễn Trãi, anh Đỗ Anh Tuấn (47 tuổi, Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) lại tỏ ra sốt ruột, sợ sẽ đến muộn giờ làm.

This browser does not support the video element.

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt“.

Quãng đường đi làm của anh khoảng 9km từ Triều Khúc đến đường Điện Biên Phủ. Vào mỗi giờ cao điểm, anh mất gần một giờ đồng hồ để di chuyển. Và điểm lên cầu vượt Ngã Tư Sở là nơi làm anh Tuấn mất thời gian nhất.

Là người luôn ủng hộ, tuân thủ những thí điểm phân luồng nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô, nhưng anh Tuấn lại cảm thấy khá bất hợp lí trong việc phân luồng trên đường Nguyễn Trãi.

Vào giờ cao điểm tại đường Nguyễn Trãi hướng từ hầm chui Thanh Xuân đi nút giao Ngã tư Sở, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn hiện hữu.

Theo lí giải của anh Tuấn, tuy thí điểm phân làn đã hơn nửa tháng, nhưng mỗi lần vào mỗi giờ cao điểm, vẫn còn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ, nhất là đoạn cầu vượt Ngã Tư Sở.

Sau khi được phân làn, những phương tiện ôtô nếu muốn rẽ phải sang Trường Chinh hoặc Khương Đình sẽ phải đến gần chân cầu vượt mới có thể rẽ, nhưng trong giờ cao điểm lượng xe máy đi lên cầu rất nhiều. Từ đó sẽ gây xung đột giao thông dẫn đến việc ùn tắc.

Lực lượng thanh tra giao thông hướng dẫn người dân đi theo làn đường quy định.

Anh Tuấn chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đang phải chịu cảnh tắc đường, "đi sớm, về muộn" khi lưu thông qua tuyến đường Nguyễn Trãi dù đã được tổ chức lại giao thông.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, sau hơn nửa tháng thí điểm, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn có xu hướng diễn ra lộn xộn. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra thường xuyên ở khung giờ cao điểm.

Cụ thể, vào nhiều ngày từ 24-27.8, nhiều xe máy không tuân thủ làn đường của mình, gây ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn ôtô làm ùn tắc nghiêm trọng. Tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở vẫn còn hiện tượng xe máy đi ngược chiều và cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để lên cầu vượt.

Các phương tiện vẫn mạnh ai nấy đi, không chấp hành phân làn
Tuy đã có sự hướng dẫn của lực lượng thanh tra giao thông, nhưng các phương tiện vẫn phớt lờ để đi sai làn đường.
Tình trạng xe máy tràn vào 3 làn riêng dành cho ô tô vẫn diễn ra tương đối phổ biến, bất chấp nỗ lực hướng dẫn của Thanh tra GTVT .

Tuyến đường Nguyễn Trãi là một trong những trục giao thông trọng điểm được đầu tư hạ tầng tốt bậc nhất của Hà Nội với 5 - 6 làn xe mỗi hướng lưu thông. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện lưu thông qua trục đường này vào giờ cao điểm có mật độ rất lớn, nên luôn xảy ra tình trạng giao thông ùn tắc cục bộ thường xuyên.

Như trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở - hầm chui Thanh Xuân) tuy chỉ dài 1,5 km nhưng trên tuyến đường này lại có nhiều điểm giao cắt. Riêng đoạn từ Khuất Duy Tiến đến Ngã Tư Sở giao cắt với 3 phố, 8 ngõ, 15 điểm với các lối ra vào cơ quan, công ty, cây xăng.

Còn chiều ngược lại từ Ngã Tư Sở đi Khuất Duy Tiến giao cắt với 6 đường, 15 ngõ, 8 lối ra vào cơ quan, trường học, đồng thời do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong nhiều năm qua, dù Hà Nội đã có nhiều hình thức phân luồng, giảm áp lực hạ tầng hỗ, nhưng việc ùn ứ, ách tắc giao thông vẫn còn là một bài toán nan giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn