MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hòn vọng phu ở xứ Thanh 3 lần bị sét đánh: Giải pháp nào để bảo vệ?

QUÁCH DU LDO | 04/10/2023 17:10

Thanh Hóa - Hòn vọng phu ở xứ Thanh có nguy cơ đổ sập bất kể lúc nào. Trước thực trạng trên, ngành chức năng Thanh Hóa đang khẩn trương tham vấn các ý kiến, nhằm đưa ra giải pháp bảo vệ, bảo tồn đối với di tích thắng cảnh này.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (Sở VHTT-DL Thanh Hóa), Hòn vọng phu thuộc Cụm di tích quốc gia về nghệ thuật và thắng cảnh núi Nhồi (ở phường An Hưng, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Di tích này là một cột đá cao khoảng 20m, nằm trên đỉnh núi Nhồi, nơi đây được biết đến là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh.

Di tích danh thắng Hòn vọng phu (ở núi Nhồi, TP.Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ có thể bị đổ sập bất kể lúc nào. Ảnh: Quách Du

Tuy nhiên, vào ngày 15.6.2022, sét đã đánh trúng Hòn vọng phu, gây sạt lở khối đá với kích thước 1 x 3m (ở phía Tây) và khối đá kích thước 2,5 x 3m (ở phía Đông) Hòn vọng phu. Sau sự cố, Hòn vọng phu đứng trước tình trạng rất nguy cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không sớm có biện pháp bảo vệ.

Do đó, vừa qua (ngày 1.10) Sở VHTT-DL Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh này. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận, với nội dung phân tích về thực trạng địa hình, địa chất khu vực núi có Hòn vọng phu. Qua đó cho thấy tính cấp thiết trong việc bảo tồn, bảo vệ di tích.

Sau sự cố sét đánh, một lượng lớn đá ở Hòn vọng phu bị sạt lở. Ảnh: Quách Du

Cũng tại hội thảo, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, di tích thắng cảnh Hòn vọng phu có giá trị về mặt lịch sử và cảnh quan. Nhưng sau sự cố sét đánh, Hòn vọng phu đã bị tróc vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt và đang có độ nghiêng theo phương thẳng đứng (từ 10 - 15 độ) và có nguy cơ đổ sập nếu tiếp tục bị sét đánh.

Theo ông Thành, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có các giải pháp như bố trí lưới thép, hàng rào để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ. Cùng với đó, có phương án chống sét để tránh việc Hòn vọng phu tiếp tục bị sét đánh vào.

Hiện trạng của Hòn vọng phu bị nghiêng so với phương thẳng đứng. Ảnh: Quách Du

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Văn Trường (65 tuổi, người trông coi khu di tích thắng cảnh Hòn vọng phu) cho biết, tính đến nay, Hòn vọng phu đã 3 lần bị sét đánh trúng, dịp gần đây nhất là vào khoảng 22h đêm ngày 15.6.2022. “Lúc ấy trời mưa to, sấm chớp nhiều và bất ngờ tia sét đánh trúng Hòn vọng phu khiến nhiều khối đá lớn bị đổ xuống ấm ầm. Thời điểm đó tôi đang nằm ở nhà trông coi trên khu di tích, rất may đá đổ không trúng vào khu vực nhà, nếu không hậu quả khó lường” - ông Trường cho hay.

Theo ghi nhận thực tế tại khu di tích này, cột đá cao khoảng 20m đã bị sạt trượt một lượng lớn đá, nhiều tảng đá lớn sau khi sạt đã rơi xuống khu vực hố sâu cách đó chừng 30m. Ngoài ra theo quan sát, dù Hòn vọng phu là di tích thắng cảnh quốc gia, tuy nhiên hiện trạng có phần sập xệ, khu vực cổng vào và đường dẫn lên di tích này rất nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng.

Khu vực cổng vào và đường dẫn lên di tịch thắng cảnh Hòn vọng phu. Ảnh: Quách Du

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VHTT-DL Thanh Hóa cho biết, sau khi tổ chức hội thảo, lắng nghe tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học về thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh Hòn vọng phu, Sở sẽ chắt lọc những ý kiến và giải pháp tốt nhất của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo tổng hợp, rồi sau đó xin chữ ký của Đoàn chủ tọa (những người tham gia hội thảo). “Việc này cần có thêm thời gian, mới đưa ra được kết luận và có biện pháp bảo tồn di tích danh thắng Hòn vọng phu” - ông Hồng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn