MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo về diễn biến của 2 ATNĐ. Ảnh: Minh Long

Họp khẩn ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới đang uy hiếp Cà Mau và nhiều tỉnh phía Nam

Kh.V LDO | 01/11/2017 13:24
Sáng nay (1.11) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ)Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ và ATNĐ đang tăng tốc vào biển Đông.

Tham dự cuộc họp, các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, khả năng “áp thấp nhiệt đới chồng áp thấp nhiệt đới” với diễn biến và dạng hình phức tạp, nhất là ATNĐ gần biển Đông nhiều khả năng mạnh lên thành bão đang uy hiếp tàu thuyền và khu vực ven biển các tỉnh, thành phố Nam bộ.

Từ hôm nay đến hết ngày mai (2.11), các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100mm đến 150mm, có nơi trên 200mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200mm.

Ứng phó với TNĐ trên biển, đến sáng nay, lực lượng Biên phòng tuyến biển phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.000 tàu, thuyền biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Vị trí và hướng đi của hai ATNĐ lúc 11 giờ trưa 1.11.2017. Ảnh: NCHMF

Tuy nhiên, đến sáng nay, vẫn còn 143 phương tiện tàu thuyền của 2 địa phương là Bạc Liêu và Cà Mau chưa liên lạc được. Trong đó, có 31 phương tiện của Bạc Liêu và 112 phương tiện của tỉnh Cà Mau. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Cà Mau thực hiện lệnh cấm biển, cho HS nghỉ học

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sáng nay, tỉnh Cà Mau đã xem xét thực hiện lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn về người và tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Lo ngại hiện nay là khu vực ATNĐ gần biển Đông dự báo khi đi vào biển Đông chiều nay và nhiều khả năng mạnh lên thành bão. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 1.500 tàu, thuyền với gần 11.000 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Ông Trương Đức Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, cần tăng cường thông tin diễn biến về các ATNĐ để các phương tiện di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh tư tưởng cho rằng vì ATNĐ không mạnh nên chủ quan.

“Chủ động phương án ứng phó các vùng dễ bị tổn thương, vùng ven biển, dễ bị chia cắt. Riêng khu vực này đề nghị phát huy phương châm “4 tại chỗ ”, nhất là lực lượng dân quân tự vệ và sẵn sàng các phương tiện di chuyển nhanh nhất người dân đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố và dự trữ lương thực” - ông Trương Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Hình ảnh mây vệ tinh. Ảnh: NCHMF

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng đặc biệt lưu ý: ATNĐ dự báo vào khu vực ĐBSCL, người dân ít phải đối phó với thiên tai nên chủ quan. Bài học kinh nghiệm từ sự chủ quan trong cơn bão số 5 có tên quốc tế Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực này. Vì vậy, công tác dự báo khí tượng thủy văn phải nhanh chóng, chính xác, kịp thời đưa ra quyết định và truyền tải đến người dân để chủ động trong ứng phó, phát huy cao nhất vai trò của chính quyền địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn