MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hợp pháp hóa mại dâm là ấn “lệnh huỷ” đối với gia đình?

Khánh Hạ - Hà Phương LDO | 05/04/2018 09:57

Hợp pháp hóa mại dâm không phải là giải pháp quản lý tốt hơn lĩnh vực này mà còn làm hỏng xã hội từ trong “tế bào”. Giải pháp trong giai đoạn tới là nên sử dụng đội ngũ nhân viên công tác xã hội.

Hợp pháp một tệ nạn – làm hỏng từng “tế bào”

Nếu mại dâm trở thành một nghề, các chức năng kinh tế, chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống và chức năng giáo dục, xã hội hóa của gia đình sẽ bị phá vỡ.

 

Trong cuộc sống gia đình, không thể tránh khỏi những xung đột giữa các thành viên. Nếu mại dâm được công nhận là một nghề thì việc này sẽ trở thành một “thói quen”, đẩy gia đình đến vực thẳm tan vỡ.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan – Trưởng bộ môn Công tác xã hội – Khoa Xã hội học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan – Trưởng bộ môn Công tác xã hội – Khoa Xã hội học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Một trong những chức năng quan trọng của gia đình là tái sinh sản, chức năng này cũng đảm nhiệm vai trò thỏa mãn nhu cầu tình dục của vợ chồng. Khi thói quen tìm đến gái mại dâm được hình thành, cũng là lúc những nhu cầu nhục dục của người vợ không được đáp ứng. Ngoài ra tiền bạc cũng đổ vào gái mại dâm. Đây chính là cách tạo ra “lệnh huỷ” đối với gia đình”.

 

“Những đứa con của gia đình có bố sử dụng dịch vụ mại dâm sẽ bị đổ vỡ và thất vọng. Chúng sẽ bắt đầu có những suy nghĩ chán nản, cũng có thể dẫn đến hành vi sai lệch…” - PGS.TS Nguyễn Hồi Loan chia sẻ.

Nghề công tác xã hội – công cụ giúp quản lý mại dâm

Trao đổi với Lao Động về việc nên hay không nên coi mại dâm là một nghề, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law) cho rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này. 

 

“Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục”, LS Trương Anh Tú nói.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Trưởng khoa Khoa Xã hội học- Trường ĐH KHXH&NV: “Nếu coi mại dâm là một nghề thì phải đáp ứng các yêu cầu của một nghề chuyên nghiệp mà yêu cầu đầu tiên là phải có cơ sở, nhân lực đào tạo. Vậy cơ quan nào, bộ ngành nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm đào tạo nghề này? Ai sẽ là giáo viên? Tôi chấp nhận hoạt động mại dâm luôn tồn tại cùng với con người, nhưng tôi không đồng ý hợp pháp hoạt động này thành nghề chuyên nghiệp”.

PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Trưởng khoa Khoa Xã hội học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

Vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để quản lý mại dâm? Luật pháp chỉ là một trong những công cụ quản lý xã hội. Từ bối cảnh Việt Nam giai đoạn hiện nay, cộng với việc học tập kinh nghiệm của các nước đã hợp pháp hóa mại dâm thì nghề công tác xã hội (CTXH) là một hướng đi khác để quản lý “tệ nạn xã hội” này.

“Nghề CTXH là nghề tích hợp kỹ năng liên ngành, bao gồm tâm lý học, xã hội học vi mô, luật học, kinh tế học, phát triển cộng đồng, y tế công cộng. Nhân viên CTXH sẽ hỗ trợ những người đang hoạt động mại dâm, bao gồm: Tư vấn về tình dục an toàn, tư vấn để họ từ bỏ hoạt động mại dâm và có việc làm ổn định trong những lĩnh vực khác,…” - PGS.TS Trịnh Văn Tùng chia sẻ.

Như vậy, với kiến thức liên ngành, nhân viên CTXH có khả năng bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng hoạt động mại dâm từ sức khỏe cho đến luật pháp, giúp phục hồi chức năng xã hội của những người hoạt động mại dâm, từ đó trị liệu “bệnh lý xã hội”, giúp đẩy lùi mại dâm mà không cần hợp pháp hóa một “tệ nạn”.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan – Trưởng bộ môn Công tác xã hội – Khoa Xã hội học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Hợp pháp hoá mại dâm chưa thể xảy ra trong giai đoạn này bởi chúng ta còn rất nhiều hệ thống giá trị vun đắp, xây dựng và duy trì suốt theo chiều dài phát triển lịch sử dân tộc. Ở ta không dễ, vì khi hợp pháp hóa tức là ta đụng chạm đến các giá trị đó thì rất khó được thừa nhận”.

PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Trưởng khoa Khoa Xã hội học – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội: “Hoạt động mại dâm là hoạt động khai thác thân thể con người về tình dục, vi phạm vào phạm trù đạo đức mà chúng ta luôn lên án và muốn đẩy lùi. Vì vậy, không thể nâng hoạt động này lên thành một nghề bởi vì luật phải căn cứ vào nền tảng đạo đức và luân lý. Tại sao chúng ta không sử dụng các công cụ như nghề CTXH, tại sao không cung cấp các nguồn lực để phát triển nghề CTXH trong khi đây không chỉ là công cụ giúp quản lý mại dâm mà còn quản lý được các tệ nạn xã hội khác nữa?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn