MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hư hỏng trên đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Cái kết đã được cảnh báo trước

Thanh Hải LDO | 12/10/2018 13:35

Ngày 12.10, Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức dừng thu phí theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT.

Như Lao Động đã thông tin, chỉ sau 1 tháng chính thức đưa vào sử dụng, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện chi chít ổ gà. Nhiều đoạn mặt đường nham nhở đe dọa an toàn tính mạng của lái xe. Đặc biệt, đoạn đầu tuyến, thuộc địa bàn Đà Nẵng đã có nhiều vết nứt, xuất hiện nhiều ổ gà sâu trên mặt đường.

Đáng nói, hiện tượng nứt bêtông nhựa mặt được này đã xuất hiện ngay từ khi chưa thông xe, từng được các chuyên gia cảnh báo từ tháng 3.2017.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công từ năm 2013, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 140km, đi qua địa phận 3 địa phương, Đà Nẵng (7,9 km), Quảng Nam (91,2 km) và Quảng Ngãi (40,1 km). Được chia ra 13 gói thầu. Được biết, đoạn Đà Nẵng đi Tam Kỳ (Quảng Nam) có 6 nhà thầu khác nhau, trong đó có Tổng Cty XDCTGT 1,5 (CIENCO1, CIENCO5);Vinaconex...

Từ đầu năm 2017, khi gấp rút thi công để đưa vào sử dụng đúng thời hạn, thì mặt đường (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) nơi các nhà thầu CIENCO1, CIENCO5);Vinaconex thi công bắt đầu xuất hiện những vết nứt dài ở nền móng và cả mặt đường. Được biết, các gói thầu này thi công theo phương thức xử lý móng bằng đá dăm gia cố xi măng (Thuật ngữ xây dựng là CTB).

Sau khi nhà thầu thi công phần nền móng, gia cố đá dăm ximăng PC30, hàm lượng 3,5% đã xuất hiện nhiều vết nứt ngay trên lớp AC19. Riêng với những đoạn đã thảm một lớp nhựa cũng xảy ra tình trạng nứt tương tự. 

Với phương án thi công xử lý nền móng bằng đá dăm gia cố ximăng CTB đã xuất hiện vết nứt ngang mặt đường có chiều dài hơn 58 km. Bấy giờ các chuyên gia cầu đường đã lo ngại, nếu không có phương án xử lý phù hợp, dù có thảm nhựa trên mặt đường vẫn sẽ tiếp tục nứt lớn hơn. Còn xử lý như thế nào, kinh phí bao nhiêu, đơn vị nào chịu trách nhiệm thì đang chờ quyết định cuối cùng từ phía Bộ GTVT.

Thời điểm đó, Tổng Cty đường cao tốc Việt Nam đã báo cáo tình trạng xuất hiện các vết nứt với Bộ GTVT. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã khuyến cáo hiện tượng nứt này. Tuy nhiên nhà thầu lại cho rằng, hiện tượng nứt mặt đường chủ yếu là do thời tiết...

Kỹ sư Kurihara Nobuyuki - Tư vấn giám sát đoạn tuyến JICA lúc đó cho biết: "Năm 2014, Bộ GTVT cũng đã có quyết định đề cập đến khó khăn trong việc kiểm soát nứt lớp CTB. Giải pháp chống nứt là cần lót thêm một lớp lưới địa kỹ thuật giữa lớp CTB và bêtông thảm nhựa, nhưng chúng tôi đang chờ phản hồi từ Bộ GTVT". 

Giám đốc liên doanh tư vấn giám sát CDM SMITH thời điểm đó - ông Hắc Hoàng Kim cũng khẳng định: "Ở các nước phát triển, người ta không sử dụng lớp CTB nữa. Ở vai trò tư vấn giám sát, tôi đề xuất chuyển từ CTB sang ATB. Đại diện tư vấn giám sát và chủ đầu tư cũng đề xuất rằng: những đoạn tuyến chưa thi công nên chuyển sang phương án ATB - tức đá dăm gia cố nhựa đường. Dự toán kinh phí cho việc chuyển đổi này gần 200 tỷ đồng".

Tuy vậy, những cảnh báo này dường như không được lắng nghe. Và hậu quả đã xảy ra như ngày hôm nay là khó tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn