MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn viên du lịch Phạm Thái Nam Sơn. Ảnh: NVCC

Hướng dẫn viên du lịch tất bật trở lại sau 2 năm “đóng băng” vì dịch

Vương Trần LDO | 17/03/2022 07:47

Nhiều hướng dẫn viên du lịch bắt đầu quay lại với ngành nghề của mình sau hơn 2 năm “đóng băng”, chật vật kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau.

Bấp bênh kiếm sống khi du lịch "đóng băng"

“Mong ngành du lịch vươn mình mạnh mẽ sau giấc ngủ đông” - đó là chia sẻ của Phạm Thái Nam Sơn (27 tuổi) - một hướng dẫn viên du lịch với hơn 6 năm tuổi nghề khi mở đầu cuộc trò chuyện với PV Lao Động về chính sách mở cửa phục hồi du lịch quốc tế.

Cũng như nhiều hướng dẫn viên khác, Nam Sơn đã mong chờ ngày khôi phục, mở cửa trở lại du lịch, đón khách quốc tế sau thời gian dài phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hơn 2 năm qua là thời điểm cực kỳ khó khăn với ngành du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên như Nam Sơn. Dịch COVID-19 khiến công việc của anh và nhiều người khác bị tạm ngưng và gặp nhiều khó khăn. 

Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, thu nhập trung bình của anh từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Và dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả. Gia đình mới có thêm thành viên mới, anh buộc phải dùng đến số tiền tiết kiệm trước đó và làm thêm shipper, làm bánh để chi tiêu, trang trải cho cuộc sống. 

Hướng dẫn viên du lịch Phạm Thái Nam Sơn. Ảnh: NVCC

Nam Sơn kể, tại các công ty chỉ có một số ít hướng dẫn viên du lịch cơ hữu, có lương cứng. Còn hầu hết hướng dẫn viên cộng tác với các công ty du lịch, thu nhập hưởng theo số tour khách thực tế.

Vì vậy, trong thời gian các dịch vụ du lịch bị hạn chế, thu nhập của hướng dẫn viên rất bấp bênh. Với những hướng dẫn viên như Nam Sơn thường xuyên dẫn khách đi các tour ở Thailand, Malaysia, Singapore, Bali - Indonesia, Nhật, Trung,… thì còn khó khăn hơn bởi nhiều nước phải đóng cửa phòng dịch.

“Có nhiều người đã phải chuyển sang các công việc khác như môi giới bất động sản, shipper và các công việc thời vụ khác. Đến khi nào có tour của các đơn vị thì họ lại sắp xếp thời gian để lên đường, hướng dẫn cho du khách” - Sơn kể.

Mong "hồi sinh" khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại

Theo Nam Sơn, kể từ khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, có những chương trình thử nghiệm đón khách du lịch thì số lượng các tour và khách cũng tăng dần lên.

Dẫu vậy, do ảnh hưởng của dịch, thu nhập của hướng dẫn viên như anh Sơn vẫn đang giảm gần 40% so với trước đó. Do đó, ngày mở cửa, khôi phục các hoạt động du lịch được Nam Sơn cũng như các hướng dẫn viên mong chờ hơn bao giờ hết.

Những ngày qua, anh Sơn cũng bận bịu hơn với các cuộc tư vấn cho khách hàng tham gia các tour du lịch nội địa cũng như quốc tế. Đợt này, các tour tại các thị trường quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai… đang được chào bán và dự kiến sẽ khởi hành vào đầu tháng 4 tới.

“Du lịch được dần phục hồi trở lại cũng là lúc các hướng dẫn viên được trở lại với đúng công việc của mình. Lượng khách cũng bắt đầu nhiều hơn. Chúng tôi mong chờ điều này lắm” - Sơn nói.

Hướng dẫn viên du lịch Hoàng Tuấn Long. Ảnh: NVCC

Là một hướng dẫn viên lâu năm thường xuyên dẫn các tour du lịch quốc tế, anh Hoàng Tuấn Long đang tất bật chuẩn bị cho các công việc để dẫn một đoàn 100 khách đi Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn sẽ xuất phát tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng nay (17.3).

Đây cũng là chuyến dẫn tour đầu tiên đi du lịch quốc tế sau hơn 2 năm qua của anh Long. Những cuốn sổ hộ chiếu, danh sách hành khách đều được rà soát kỹ càng. Tất cả các hành khách tham gia du lịch đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và được xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh vào nước bạn. 

Anh Long kể, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các dịch vụ kinh doanh liên quan tới hoạt động du lịch gần như bị “đóng băng”. Nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, vận tải, các điểm tham quan bị đóng cửa hoặc hạn chế do phòng dịch. Các chính sách liên quan tới xuất nhập cảnh trong thời gian dịch bệnh cũng “khắt khe” hơn nên các hướng dẫn viên “ế” tour.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch đã chuyển sang những công việc khác như bán bảo hiểm, môi giới bất động sản, chạy xe công nghệ… Chính anh Long đã phải mở thêm quán chè, quán xiên nướng, bán hàng online… để có tiền trang trải cuộc sống.

"Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã phải gồng gánh suốt thời gian qua và chờ đợi tới ngày phục hồi trở lại. Đây cũng là ngày mà các hướng dẫn viên, những người công tác trong lĩnh vực du lịch, lữ hành mong chờ" - anh Long chia sẻ.

Những ngày qua, anh cùng các đồng nghiệp cũng luôn trong trạng thái tất bật để tìm hiểu kỹ chính sách phòng, chống dịch của các quốc gia. Một nhóm zalo cũng đã được lập để thông báo những thông tin chung tới khách hàng về các quy định liên quan tới thời gian, việc xuất nhập cảnh và các quy định về phòng chống dịch.

Trở lại với công việc hướng dẫn viên, anh Long nói, chính sách xuất nhập cảnh và mở cửa đi lại giữa nước ta với các nước dần được khôi phục. Điều này tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có các dịch vụ du lịch. Tất cả đều mong dịch bệnh dần qua đi, ngành du lịch sẽ có thêm những gam màu sáng và khởi sắc hơn ngay trong năm nay.

Khôi phục chính sách xuất nhập cảnh từ ngày 15.3

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý khôi phục từ ngày 15.3.2022 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15.3.2022 của Chính phủ về việc miễn thị thực có thời hạn cho công dân các nước: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn