MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Thanh Tùng

Hướng phát triển của thành phố Quảng Ninh không có quận

Nguyễn Hùng LDO | 29/05/2024 09:50

Quảng Ninh - Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo mô hình riêng. Trong đó, sẽ không hình thành các quận, mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến.

Hiện, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (TP.Hạ Long), 3 đô thị loại II (thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), 2 thị xã là đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 3 đô thị được công nhận là loại IV (huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà), 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V thuộc các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô. Tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 68,5%, là một trong 5 địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỉ lệ đô thị hóa trên 75%.

Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng trước năm 2030. Trong đó, sẽ không hình thành các quận, mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông.

Quảng Ninh hiện có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuộc diện tốt nhất cả nước. Trong ảnh là đường ven biển kết nối Hạ Long với Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030, với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường), tổng diện tích tự nhiên 4.025,48km2, dân số thường trú 978.348 người, dân số đô thị đạt 848.228 người (chiếm 86,7%). Các đô thị khác thuộc các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời sẽ hình thành 3 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng liên huyện Hạ Long là Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả. Trong đó, Hạ Long là trung tâm vùng; Quảng Yên gắn với Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới, quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người; diện tích khoảng 3.028km2. Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch…

Vùng liên huyện Vân Đồn gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2. Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.

Vùng liên huyện Móng Cái gồm: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, trong đó, TP.Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418.900 người, diện tích khoảng 2.671km2. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn