MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hương vị Tết xưa

Phương Ngân LDO | 12/02/2024 05:45

Những ngày cuối năm, nhìn phố xá tấp nập, chộn rộn cảnh người chen nhau mua sắm, những đứa con xa nhà nôn nao nhớ. Nhớ cái không khí ngày sum vầy, nhớ cái mùi thơm ngậy của nồi thịt kho trứng, mùi tỏi hòa quyện cùng mùi ớt, mùi mỡ heo... Mùi Tết cứ theo khung cảnh xung quanh quay về, mùi Tết có lẽ chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức của những đứa con xa quê luôn khao khát tìm về.

Mùi của Tết

Năm cũ sắp hết nghĩa là Tết đã về, mang theo trong lòng mỗi người con xa xứ những cung bậc cảm xúc xao xuyến, bồi hồi khó tả. Một năm xa xứ mưu sinh dài đằng đẵng, mỗi dịp cuối năm điệp khúc “về quê ăn Tết” lại khiến lòng tôi nôn nao khó tả. Nhà tôi chỉ có bốn thành viên, hai chị em tôi mỗi người làm một nơi, năm chỉ về quê vào dịp Tết, chỉ có ba mẹ già lủi thủi ở quê.

Hồi đó, hoàn cảnh kinh tế gia đình tuy không đủ đầy, nhưng cứ cuối năm, ba mẹ cũng cố gắng sắm sửa, chuẩn bị cho các con một cái Tết tươm tất nhất có thể.

Trong ký ức tôi, “mùi” Tết là hương vị của nồi thịt kho trứng mẹ nấu thơm ngậy mùi tỏi, mùi ớt, mùi mỡ quện vào khói củi. Cái hương vị đó tôi không bao giờ quên, dù đã nhiều lần “học lỏm” nhưng vẫn không thể kho được nồi thịt kho trứng ngon như mẹ nấu. Nồi thịt kho trứng đã gắn liền với tuổi thơ tôi.

“Năm nay nhà mình có thịt kho hột vịt không mẹ” – đó là câu cửa miệng của tôi dành cho mẹ mỗi khi thấy xung quanh mình mọi người bắt đầu nói đến chữ “Tết”. Lần nào cũng vậy, nghe tôi hỏi là mẹ lại cười rồi gật đầu.

Ngay từ khi còn bé, mỗi khi mẹ chuẩn bị cái món khoái khẩu là tôi lại lẽo đẽo bám theo. Để chuẩn bị cho nồi thịt Tết của gia đình, mẹ tôi cẩn thận lựa, cắt từng miếng thịt heo, rồi ra sau nhà chọn từng cái trứng đàn vịt đẻ rửa sạch đem vào.

Cách mẹ làm nồi thịt kho cũng đơn giản, sau khi cắt từng miếng thịt heo cỡ khoảng 4 – 5 cm sẽ đem rửa sạch. Để ráo nước rồi đem ướp với tỏi, hành tím, nước mắm,… đậy lại rồi đem vào cất. Hột vịt sau khi luộc chín, bóc vỏ cho vào cái tô to. “Sao mẹ không kho đi mẹ” - tôi nao nao hỏi, mẹ chỉ nhẹ nhàng giải thích là phải chờ thời gian cho thịt nó thấm gia vị mới kho được, vậy thịt heo nó thơm hơn.

Chờ khá lâu mới thấy mẹ đem thịt đi kho. Nhìn lửa liu riu trên bếp, nhiều lúc tôi lén mẹ đút thêm củi vào lò cho mau chín. Chính cái sự nôn nóng mà không ít lần tôi bị mẹ ký đầu. Tôi nhớ nồi thịt của mẹ đun lâu lắm, lửa lúc nào cũng liu riu chỉ làm nước sôi nhẹ. Có cái lạ là mẹ không bao giờ đậy nắp nồi, mà phía trên được phủ bằng tờ giấy báo. Sau này lúc lớn lên tôi mới biết tác dụng của tờ giấy là để hút lớp bọt, giúp nước thịt kho được trong.

Suốt quá trình kho, cái mùi của món ăn quyện khắp không gian căn nhà nhỏ, thơm ngậy, miếng thịt chín mềm rệu nhưng không vỡ, thịt không tách khỏi mỡ. Màu sắc từ nước dừa rất đẹp mắt mà không loại nước màu nào có thể pha ra được.

Món thịt kho trứng ăn kèm với món cải chua ba làm ngon không thể hòa lẫn vào đâu được, dù có đi xa bao lâu, ăn bao nhiêu món ngon, khi trở về món đầu tiên tôi đòi mẹ nấu là món thịt kho trứng.

Những ngày cận Tết, mẹ tôi nấu nướng, còn ba và hai chị em tôi người một tay phụ mẹ dọn dẹp. Ba chặt những cây dại mọc quanh nhà, xếp lại mấy chậu mai trước sân, chị tôi thì quét dọn nhà cửa, còn tôi sơn lại vách nhà cho mới để đón Tết. Đêm giao thừa, cả nhà tôi quay quần bên nhau, cùng nhau gói bánh tét, vừa canh nồi bánh vừa nói đủ chuyện mà lâu nay xa nhà không có dịp chia sẻ, tiếng nói cười rôm rả xen lẫn tiếng lộp bộp của pháo hoa, thế là Tết về…

Tết này vắng mẹ

Dòng thời gian cứ mãi buông trôi, Tết đến, tôi cứ mải bươn chải theo cuộc sống nơi xứ lạ. Tết năm nay, cái nhớ, cái bồn chồn nó lạ hơn mọi năm, hình ảnh mẹ lui cui làm cái nồi thịt giờ chỉ còn trong ký ức. Bóng cha già cặm cụi quét sân, sơn lại cái cổng rào… cứ nặng nề đeo bám khi quanh mình có ai nói đến Tết. Tính cha ít nói, nhưng có lẽ năm nay cha mong chờ những đứa con nơi xa về nhà sớm hơn, vì mẹ không còn.
Có những lúc, tôi muốn rũ bỏ những bộn bề công việc, những ngày tháng bụi bặm bươn chải kiếm sống để trở về quê sớm hơn mọi năm. Muốn mình như đứa trẻ nhỏ ngày nào bên vòng tay yêu thương của ba mẹ.

Cũng như mọi năm, tôi trở về bên mái nhà thân yêu quen thuộc, chiếc máy may của mẹ vẫn nằm nơi góc nhà, nhưng không còn hình bóng mẹ mà chỉ còn di ảnh. Cận Tết rồi, nhưng cái “mùi” Tết của những năm xưa không còn quyện trong không gian của ngôi nhà nhỏ, bữa cơm đoàn viên nay đã thiếu vắng một người.

Nhìn cha ngồi trầm ngâm bên hiên nhà, tôi đứng lên xách cái giỏ nhỏ ra chợ. Sau gần cả giờ loay hoay chọn lựa, tôi cũng đã chuẩn bị được những nguyên liệu cần thiết cho cái nồi thịt kho hột trứng của cả nhà. Bao năm học cái cách kho của mẹ mà tôi chưa một lần thành công, nhưng năm nay tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được. Ký ức bao năm ùa về, tôi vừa làm vừa nhớ lại từng động tác nhỏ của mẹ từ cách thái miếng thịt, luộc cái trứng, đong nước dừa, nêm nếm nước kho… tất cả như một cuốn phim tôi quay lại thật chậm.

Sau vài giờ thực hành cuối cùng tôi cũng hoàn thành được nồi thịt kho đầu tay của mình. Cái “mùi” Tết cũng đã lan tỏa khắp nhà, chỉ là “miếng thịt này không được như mẹ làm, nó dễ nát quá, còn nước thì mặn nghen, hột vịt sao nó cứng vậy…” - cha vừa ăn vừa nhận xét. Cả nhà vừa ăn vừa bình phẩm cười nghiêng ngả. Cứ vậy, mỗi người khen chê một kiểu, mỗi người một ý kiến, mỗi người nhớ về một kỉ niệm.

Góp nhặt từng mẩu kỷ niệm lại với nhau, cái gia đình nhỏ của tôi ngày xưa lại hiện về đầy đủ như cái lúc còn mẹ. Món ăn ngày Tết, cái “mùi” Tết đã níu kéo lại cái không khí ngày xưa của mọi thành viên trong nhà. Món ăn ngày Tết của mẹ giờ là phương cách để mọi người nhớ về ngày xưa.

Cái tô thịt kho hột vịt mà tôi múc riêng ra cho mẹ, nếu mẹ còn hiện hữu, chắc chắn tôi không thoát khỏi một cái ký đầu. Có lẽ mẹ cũng không nghĩ rằng cái món ăn ngày Tết thủa hàn vi của gia đình giờ không chỉ là một món ăn mà còn là sợi dây để thắt chặt, hâm nóng không khí gia đình. Không còn mẹ buồn lắm, nhưng Tết này và cả những Tết sau, chắc chắn một điều… mẹ vẫn ở mãi bên gia đình trong không khí ngày Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn