MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức họp trực tuyến ứng phó với bão số 7. Ảnh: Ngọc Hà

Huy động gần 60.000 nhân sự, 5.000 phương tiện thủy ứng phó bão số 7

Vũ Long LDO | 09/10/2021 15:48
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình huy động gần 60.000 cán bộ, chiến sĩ; gần 5.000 phương tiện thủy... sẵn sàng ứng phó với bão số 7.

Huy động gần 60.000 cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) tổ chức ngày 9.10, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo - cho biết, đến thời điểm này, Bộ Công an đã chỉ đạo một số đơn vị chuyên trách và công an các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẵn sàng gần 60.000 cán bộ, chiến sĩ; gần 5.000 phương tiện thủy; hơn 1.000 phương tiện bộ; 830 máy phát điện, gần 30.000 phao các loại phục vụ công tác ứng phó với bão số 7.

Bộ đội Biên phòng đã kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền. Tối 8.10, đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 19 điểm từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. 

Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Đến sáng 9.10, có 7 tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ...

Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, đến 6 giờ sáng 9.10, có 33.387 tàu với 113.156 lao động được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh bão số 7. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão chủ động triển khai việc cấm biển, chỉ đạo công tác chằng chống, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. 

Về kế hoạch sơ tán dân, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 70.440 hộ với 260.722 người dân khu vực ven biển. 

Sáng 9.10, ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 7. Tại TX.Quảng Yên, ông Phạm Văn Thành yêu cầu chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 7, không được lơ là, chủ quan. Các lực lượng chức năng phải tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giám sát chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thủy sản nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã, các xã, phường và các đơn vị sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", thường trực 24/24h để kịp thời phát hiện, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đối với các điểm đê xung yếu trên tuyến đê Hà Nam phải bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ đê và công trình khi có yêu cầu.

Tại tỉnh Hà Giang, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Bắc Mê, toàn huyện hiện có 22 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ, giông lốc cuối năm 2020, đầu năm 2021 vẫn đang sinh sống tại các vùng nguy cơ sạt lở cao, riêng xã Giáp Trung có 16 hộ với 77 nhân khẩu cần di rời gấp. Qua xác minh thực tế cho thấy, khi có mưa lớn, các hộ dân tại đây thường xuyên có đất đá lăn vào nhà, kích thước hoảng 0,5-1m3 (xã Minh Sơn), xuất hiện các vết nứt, rạn nền nhà, có thể gây sạt lở (xã Giáp Trung)… nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của các hộ dân.

Để chủ động ứng phó với khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá gió giật mạnh, lãnh đạo huyện Bắc Mê đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp lên phương án hỗ trợ, vận động nhân dân di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn