MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là nơi ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giao cho BQL huyện Lạng Giang mời thầu. Ảnh: Bacgiang.gov.vn

Huyện Lạng Giang lý giải chưa thỏa đáng bất thường về xuất xứ hàng hóa trong một số gói thầu

Trần Tuấn - Văn Nguyễn LDO | 03/01/2024 19:48

Liên quan đến các gói thầu của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang (Bắc Giang), Luật Đấu thầu 2013 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 đều cấm nêu xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

5 tháng không nhận được câu trả lời

Tháng 7.2023, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về dấu hiệu bất thường ở các gói thầu tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Theo các dữ liệu thống kê của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KHĐT), trong số 36 gói thầu xây lắp được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang (BQL huyện Lạng Giang) triển khai giai đoạn từ tháng 10.2022 đến tháng 7.2023, có nhiều gói thầu nêu về nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều kiện tại hồ sơ mời thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị và thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng khu dân cư cổng UBND xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (giai đoạn 5). Ảnh: Chụp tài liệu

Sau khi thực hiện đầy đủ quy trình và giấy tờ cần thiết để tác nghiệp theo Luật Báo chí, PV Báo Lao Động đặt câu hỏi về vấn đề trên với BQL huyện Lạng Giang từ tháng 7.2023 nhưng sau 5 tháng không nhận được câu trả lời.

Chiều 6.12.2023, tại hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, phóng viên đã nêu lại vấn đề này và ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu phía huyện Lạng Giang phải trả lời theo quy định.

Lý giải của BQL huyện Lạng Giang

Phải khi có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, BQL huyện Lạng Giang mới có văn bản trả lời Báo Lao Động.

Theo văn bản phản hồi, BQL huyện Lạng Giang thừa nhận trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu qua mạng (HSMT) có đưa tên, xuất xứ sản phẩm, vật liệu. Tuy nhiên đơn vị này cho rằng, việc bên mời thầu có đưa tên, xuất xứ sản phẩm, vật liệu của một nhà sản xuất nào đó là nhằm để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa (sau khi đã ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”; “hoặc các vùng lân cận”).

BQL huyện Lạng Giang khẳng định, việc này "tuân thủ đúng hướng dẫn về lập HSMT và các quy định của pháp luật về đấu thầu, không vi phạm hành vi bị cấm tại Luật Đấu thầu số 43/2013 và Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ".

Nêu rõ xuất xứ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý của Công ty TNHH Thư viện Pháp luật, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm trong đấu thầu, được quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.

Khi phân tích về nội dung này, chuyên viên pháp lý Ngọc Nhi và Luật sư Phạm Thanh Hữu của Công ty TNHH Thư viện Pháp luật cho biết, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Trong đó, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT nằm trong nhóm hành vi bị cấm thứ 6 là "không bảo đảm công bằng, minh bạch".

Thực tế theo tìm hiểu của Báo Lao Động, Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rất rõ: “HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalog của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalog đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu”.

Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 yêu cầu rất rõ: “Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”. Ảnh: Chụp tài liệu

Ngay tại Khoản a, Điều 5, Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mà BQL huyện Lạng Giang viện dẫn là không vi phạm) cũng quy định rất rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Có thể thấy cho đến nay, cả Luật Đấu thầu 2013 của Quốc hội, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và mới đây nhất là Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều không có nội dung nào cho phép bên mời thầu nêu yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ cụ thể của hàng hóa (kể cả tương đương), hay việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ có thể gây ra sự phân biệt đối xử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn