MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng đài chiến thắng Khâm Đức gần tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Chung

Huyện nghèo rót 14 tỉ đồng xây tượng đài: Góp ngân sách từng năm để xây dựng

Thanh Chung LDO | 05/05/2020 08:38

Việc Phước Sơn bỏ ra kinh phí 14 tỉ đồng để xây dựng tượng đài, chính quyền huyện cho biết phải góp ngân sách từng năm để xây dựng.

This browser does not support the video element.

Tượng đài 14 tỉ ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, tọa lạc sát đường Hồ Chí Minh.
Công trình Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư. Để xây dựng tượng đài thì phải san lấp một quả đồi, tạo mặt bằng. Dự án triển khai từ 2010, tuy nhiên kéo dài, dang dở. Đến năm 2017, dự án tái khởi động, dự kiến đến tháng 8.2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục dự án chưa hoàn thành, máy móc, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang.
Tượng đài được xây dựng cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn).
Một người dân địa phương cho biết, công trình đã xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa xong. Địa phương vẫn còn nghèo nhưng việc lấy 14 tỉ đồng để xây dựng là lãng phí; nếu từ nguồn vốn đó hỗ trợ người dân an sinh lập nghiệp, mở công ty để người dân có việc làm thì tốt hơn nhiều.
Ông Trần Thiện Hải – Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho biết, năm 2010, Tượng đài Khâm Đức được xây dựng, nhưng sau đó hư hỏng, xuống cấp. Tháng 7.2017, tượng đài được khởi công tu bổ, đến năm 2019 sẽ hoàn thành nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khâm Đức. Công trình có dự toán ban đầu khoảng 14 tỉ đồng, kinh phí lấy từ ngân sách địa phương.
"Tượng đài để tưởng niệm quân và dân huyện Phước Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và tạo điều kiện cho những người thân có chiến sĩ hy sinh đến thắp nén nhang. Ngoài ra, tượng đài như là điểm nhấn, nằm trong cụm du lịch mà huyện đang hướng đến nhằm phát triển kinh tế cho địa phương. Huyện đã và đang cân đối ngân sách để phát triển một cách hài hòa, từ y tế, giáo dục, kinh tế cho đến văn hóa du lịch. Chúng tôi vẫn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế, ổn định kinh tế của người dân. Còn tượng đài, sẽ cố gắng được hoàn thành theo từng chỉ tiêu cụ thể”- ông Hải nói.
Ông Hải cũng khẳng định, khi tu bổ tượng đài, huyện đã trình và được UBND tỉnh thông qua. Nguồn vốn 30A, huyện dùng cho chính sách vào người đồng bào, chứ không dùng tu bổ tượng đài.
Công trình này tái khởi công và tháng 7.2017 và địa phương rót ngân sách nhỏ giọt nên kéo dài thi công, chưa hoàn thành đúng tiến độ.
Trả lời Báo Lao Động chiều 4.5, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, mỗi năm, huyện phân bổ vài tỉ đồng để xây dựng từng hạng mục. Năm 2020, huyện phân bổ khoảng 2 tỉ đồng để xây dựng phần tượng đài chính. Ngoài ra, địa phương kêu gọi hơn 1 tỉ đồng từ các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ; tuyệt đối không dùng nguồn hỗ trợ các huyện nghèo (Chương trình 30A) của Chính phủ.
Liên quan vụ việc này, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ kiểm tra việc xây dựng tượng đài 14 tỉ ở huyện này.
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nơi có 75% là người dân tộc thiểu số. Cùng với các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, Phước Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My nằm trong nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a ngày 27.12.2008 của Chính phủ.

Chiến thắng Khâm Đức-NgokTavak năm 1968 có ý nghĩa quan trọng trong khai thông hành lang phía Tây của tỉnh Quảng Nam và góp phần quan trọng vào việc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975.

Ngày 12.5.1968, quân ta đánh tan một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, 7 đại đội biệt kích Lôi Hổ, tiêu diệt hơn 700 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 104 tên (trong đó có 1 cố vấn Mỹ); bắn rơi 2 máy bay CH47, 2 máy bay C-130, 9 máy bay trực thăng và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Chiến thắng Khâm Đức còn có ý nghĩa quan trọng, khai thông hành lang chiến lược huyết mạch -đường mòn Hồ Chí Minh đảm bảo cho việc vận tải vũ khí, hàng hóa và lực lượng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, mở rộng tuyến vận tải đường ngang nối Khâm Đức - Làng Hồi, xuống Hiệp Đức và vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam - Quảng Đà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn