MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các xã trên địa bàn huyện Tuy Đức xây dựng nông thôn mới khi có xuất phát điểm thấp, chủ yếu người dân làm nông nghiệp với tỉ lệ hộ nghèo khá cao. Ảnh: Bảo Lâm

Huyện vùng biên ở Đắk Nông gặp khó khi xây dựng nông thôn mới

Phan Tuấn LDO | 21/12/2023 18:04

Tuy Đức là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông. Do có xuất phát điểm thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, dân cư phân bố không tập trung... nên đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có xã nào về đích nông thôn mới.

Chưa có xã nào về đích nông thôn mới

Khó khăn nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới phải kể đến xã vùng sâu, vùng xa Đắk Ngo. Hiện nay, đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã là 848 hộ, chiếm tỉ lệ 34,29%.

Mặc dù, đã nhiều cố gắng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, nỗ lực chăm lo cho đời sống người dân nhưng thu nhập bình quân đầu người ở xã Đắk Ngo mới chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm.

Con số này còn cách khá xa so với quy định là 39 triệu đồng/người/năm đối với khu vực đặc biệt khó khăn như xã Đắk Ngo. Bên cạnh đó, về tiêu chí nhà ở cũng là vấn đề hết sức nan giải của địa phương. Bởi ở đây chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số, nhà cửa được dựng bằng gỗ, chưa thể kiên cố.

Theo UBND xã Đắk Ngo, qua rà soát, tính đến hết năm 2023, toàn xã Đắk Ngo mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Các tiêu chí xã Đắk Ngo đã hoàn thành như: Tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên; giáo dục; quy hoạch và thực hiện quy hoạch; y tế; thủy lợi, điện, trường học, tổ chức sản xuất, cở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống chính trị và pháp luật.

Trong năm 2023, tình trạng sụt lún đã gây ra nhiều khó khăn, khiến nhiều hộ dân ở xã Quảng Trực phải di dời chỗ ở. Ảnh: Sao Mai

Theo ông Phạm Xuân Lam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo, các tiêu chí còn lại như nhà ở, thu nhập, hộ nghèo... đều là những tiêu chí mà xã rất khó hoàn thành. Về phía địa phương mong muốn các cấp, ngành có sự đầu tư đồng bộ hơn nữa cho địa phương từng bước thoát khỏi tình trạng là xã đặc biệt khó khăn.

Xã Đắk Búk So là trung tâm hành chính của huyện Tuy Đức. Thế nhưng, hiện nay địa phương này vẫn chưa thể về đích trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Ngô Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, hiện xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí địa phương chưa hoàn thành như: Môi trường, nhà ở.

"Với các tiêu chí còn lại, trong năm 2024 địa phương sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như phát triển vùng đồng bào dân tộc tiểu số và giảm nghèo bền vững để nâng cao đời sống cho người dân. Xã phấn đấu năm 2024 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí để về đích nông thôn mới và tiếp tục thực hiện xã nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo" - ông Thương cho biết thêm.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Kiều Qúi Diện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết, tính đến tháng 12.2023, bình quân số tiêu chí về nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện Tuy Đức là 14 tiêu chí/xã (vượt 7,6% so với kế hoạch).

Cụ thể, xã Quảng Tâm đạt 13/19 tiêu chí; xã Đắk Ngo 11/19 tiêu chí, xã Đắk R'tíh 15/19 tiêu chí; xã Đắk Búk So 17/19 tiêu chí; xã Quảng Tân 14/19 tiêu chí, xã Quảng Trực 14/19 tiêu chí.

Gia đình anh Điểu Tài (phải ảnh) được quan tâm, hỗ trợ trao bò giống để có thêm sinh kế thoát nghèo. Ảnh: Thanh Hằng

Thực tế cho thấy, Tuy Đức có lượng dân di cư tự do lớn. Hàng năm, tại một số xã thường xuyên diễn ra tình trạng người dân di cư từ nơi khác đến đã gây ra hàng loạt các vấn đề như tranh chấp đất đai, khiếu kiện. Từ đó, tạo áp lực, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành tiêu chí số 19 về an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, các xã trên địa bàn huyện Tuy Đức có xuất phát điểm thấp, đa phần từ nền tảng nông nghiệp. Địa bàn các xã rộng, mật độ dân số thấp, dân cư nhiều nơi sống không tập trung, địa hình phức tạp, nên khối lượng công trình hạ tầng nông thôn cần được đầu tư xây dựng lớn.

Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện lớn nên việc huy động sức đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu và chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Hơn nữa một số nội dung, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 ở mức cao hơn nên trong quá trình thực hiện một số địa phương gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn lực.

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện mới chỉ đạt 28 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, quy định thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt từ 44 triệu đồng/người/năm trở lên (xã đặc biệt khó khăn ≥ 39 triệu đồng/người/năm).

Còn quy định tỷ lệ hộ nghèo của xã nông thôn mới phải từ 8,5% trở xuống (xã an toàn khu và xã đặc biệt khó khăn từ 13% trở xuống). Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các xã trên địa bàn huyện, tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức từ 30% đến 40%, thậm chí có xã còn cao hơn.

"Thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao là nguyên nhân dẫn đến việc khó hoàn thành tiêu chí số 10 và số 11 về thu nhập và hộ nghèo" - ông Diện cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn