MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để thay thế toàn bộ bờ kè đá quanh hồ Hoàn Kiếm đang bị xuống cấp nghiêm trọng, Hà Nội cho thí điểm kè những khối bêtông nặng khoảng 2 tấn, dài 1m này ở hồ Trúc Bạch. Ảnh PV

Kè bằng bêtông cỡ lớn: Đừng biến Hồ Gươm thành hồ chứa nước

ANH THƯ LDO | 03/12/2019 16:48
Trước đề xuất kè Hồ Gươm bằng khối bêtông đúc sẵn, nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng phương án kè để giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có của hồ và hài hoà cảnh quan xung quanh.

Kè Hồ Gươm bằng bêtông

Thành phố Hà Nội hiện đang giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu việc thay thế toàn bộ bờ kè quanh Hồ Gươm vì hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hà Nội đề xuất dùng những khối bêtông nặng hơn hai tấn để kè xung quanh hồ. 

Báo cáo của đơn vị tư vấn đã khảo sát, toàn bộ kè Hồ Gươm dài khoảng 1.600 m, trong đó có khoảng 600 m đã hư hỏng. Tháng 11.2019, đơn vị đã triển khai thí điểm thực tế một đoạn 5m tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình. Mỗi cấu kiện kè dài 1 m, chiều cao 2,5 m, nặng 2,5 tấn.

Bờ Hồ Gươm bị sạt. Ảnh Văn Thắng.

Chất liệu bằng bêtông cốt sợi, không có ion, không ăn mòn, có thể trường tồn trong môi trường, yên tâm sử dụng lâu dài và đây là công nghệ hoàn toàn của Việt Nam.

Theo đơn vị này, phương án thi công không dùng tường vây, đê bao, không thay đổi mực nước Hồ Gươm, cũng không làm đường công vụ. Đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền đất tự nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công, không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân.

Cân nhắc kè Hồ Gươm bằng bêtông

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, Hồ Gươm có những giá trị lịch sử, văn hoá và ý nghĩa quan trọng của người dân Hà Nội. Vì vậy, khi có bất kì tác động nào đến cảnh quan của Hồ Gươm cũng cần cân nhắc.

Về đề xuất kè Hồ Gươm bằng khối bêtông cỡ lớn, ông Tùng cho rằng, xung quanh hồ có rất nhiều cây lớn và bờ hồ uốn cong mềm mại; vì vậy, khi đặt những khối bêtông khô cứng xuống là không nên.

Theo vị này, những khối bêtông lớn chỉ nên kè vào bờ hồ thuỷ lợi, chứ không phải hồ cảnh quan. Nếu đóng một loạt tấm bêtông lớn xuống bờ Hồ Gươm sẽ làm mất đi sự mềm mại và mảng xanh vốn có. Vì vậy, đừng biến Hồ Gươm thành hồ chứa nước. Nhìn về hồ Thiền Quang, khi về mùa nước cạn, những mảng bêtông trơ ra trông không thân thiện với môi trường xung quanh.

Từ đó, chuyên gia này đề xuất trước khi quyết định phương án làm, Hà Nội nên có thử nghiệm một đoạn nhỏ xem có phù hợp hay không.

 

"Ở các quốc gia, kè những hồ tương tự Hồ Gươm cũng có thể kè bằng bê tông nhưng không phải khối bêtông như vậy. Bên cạnh đó, sau khi kè bờ vẫn vẫn tạo cho thảm thực vật có thể mọc lên giúp bờ hồ rất sinh động. Vì vậy, bên cạnh việc khắc phục những vị trí bờ bị sạt lở, nên có giải pháp kè bờ Hồ Gươm thật phù hợp với cảnh quan", ông Tùng nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nên lưu ý đường cong tương đối mềm ở bờ Hồ hiện trạng và cũng lưu ý về tạo mối liên hệ giữa bờ hồ với mặt nước. Cần có các thảm xanh nối tiếp nhau, có điểm nhấn đặc biệt về cây xanh, ánh sáng, tạo một không gian tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn