MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Là viên chức kế toán trường học, chị Bích mong mỏi thu nhập của các đồng nghiệp làm kế toán được trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Ảnh: Hạnh Hân

Kế toán trường học mỏi mòn chờ hưởng quyền lợi chính đáng

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 24/10/2023 08:28

Báo Lao Động đã có loạt bài viết: “Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục”. Sau khi loạt bài viết được đăng tải, nhiều nhân viên, viên chức kế toán trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã phản ánh bất cập mà họ phải chịu trong nhiều năm qua.

Làm việc hơn 20 năm, lương chưa được 6 triệu đồng/tháng

Năm 2002, bà Bùi Thị Thuý Hồng (SN 1972) nhận công tác tại Trường THCS Hát Môn (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) với vị trí nhân viên thủ quỹ. Đến ngày 1.12.2004, bà Hồng được điều chuyển sang Trường Tiểu học Cẩm Đình làm nhân viên kế toán.

Tháng 8.2008, khi trường này có viên chức kế toán về làm việc, bà Hồng được hiệu trưởng phân công làm nhân viên thư viện. Đến tháng 5.2013, bà Hồng tiếp tục được điều chuyển sang Trường Mầm non Sen Chiểu làm nhân viên kế toán. Tháng 4.2018, bà Hồng lại giữ vị trí nhân viên kế toán tại Trường Mầm non Phúc Hoà.

Tại Quyết định số 568 ngày 29.3 của UBND huyện Phúc Thọ về việc chuyển công tác đối với nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68, bà Hồng lại được chuyển về vị trí nhân viên kế toán Trường Mầm non Sen Chiểu bắt đầu từ 1.4.2019 cho đến nay.

“Cứ cách vài năm tôi và các đồng nghiệp lại bị luân chuyển đi các trường khác một lần. Trong khi, công việc tại mỗi trường khác nhau, với nghề kế toán lại càng khó khăn hơn. Tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để sắp xếp, bàn giao giấy tờ ở đơn vị cũ và tiếp nhận công việc ở đơn vị mới” - bà Hồng giãi bày.

Hiện, dù làm công việc của nhân viên kế toán nhưng bà Hồng nhận lương nhân viên phục vụ, bậc 12, hệ số 2,98; thu nhập chưa được 6 triệu đồng/tháng. Để có tiền trang trải, bà Hồng nhận làm kế toán cho các công ty gần nhà.

“Hơn 20 năm công tác trong ngành, chỉ vài năm nữa tôi nghỉ hưu, chỉ mong chế độ đãi ngộ kế toán trường học được quan tâm đúng, đủ” - bà Hồng nói.

Chờ đợi mức lương thỏa đáng

May mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1980) hiện đã là viên chức. Trước đây, nữ nhân viên kế toán này cũng chỉ được hưởng lương nhân viên phục vụ theo Nghị định 68. Chị Bích cho biết, tháng 12.2003, chị là nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68, lương khởi điểm rất thấp. Năm 2008, chị được xét chuyển sang ngạch văn thư. 1 năm sau, chị được điều động sang Trường THCS Phúc Hòa làm nhân viên kế toán, hưởng lương nhân viên văn thư.

Nhiều lần, chị Bích cùng một số người khác đề xuất lên Phòng Nội vụ huyện để được chuyển sang ngạch kế toán. Đến năm 2012, chị được chuyển sang viên chức ngạch kế toán, bậc lương khởi điểm 2,34. Sau 20 năm công tác, hiện chị Bích có bậc lương 3,33.

“Mỗi tháng, sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, tôi nhận về 5,8 triệu đồng/tháng. Đây không phải là mức lương thỏa đáng so với công sức tôi bỏ ra, thậm chí không bằng thu nhập của một người làm phụ hồ, trong khi công việc của tôi rất áp lực, trách nhiệm cao” - chị Bích cám cảnh nói.

Theo chị Bích, do mức thu nhập thấp “còn không đủ chi tiêu riêng cho bản thân” nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chị phải bán bảo hiểm nhân thọ, bán hàng tạp hóa, bán hàng online để có tiền chăm lo gia đình.

Ngày 20.10.2023, UBND huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 162 yêu cầu báo cáo, rà soát nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (cũ). Phòng Nội vụ huyện này yêu cầu hiệu trưởng các trường học công lập trên địa bàn huyện báo cáo đánh giá kết quả công tác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (cũ) nay là Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn