MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Hải Nguyễn

Kết dư gần 90.000 tỉ đồng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Cần chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động

Linh Nguyên (thực hiện) LDO | 23/08/2021 09:30

Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng và hiện ở mức cao, gần 90.000 tỉ đồng. Trong thời điểm cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 thì nên chăng thay đổi cả mức đóng và các mục chi trả để giảm bớt khó khăn. Ngày 22.8, Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN.

Sáng 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp để cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Vậy ông có thể nói rõ về Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020?

- Theo quy định của Luật BHXH, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm 3 quỹ thành phần: (1). Quỹ ốm đau và thai sản; (2). Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (3). Quỹ hưu trí và tử tuất. Trong 3 quỹ thành phần thì Quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ dài hạn.

Theo báo cáo của Chính phủ, số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 (theo 3 quỹ thành phần) như sau: Quỹ ốm đau, thai sản gần 12.800 tỉ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỉ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỉ đồng...

 Quỹ ốm đau, thai sản gần 12.800 tỉ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỉ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỉ đồng... Ảnh: Hải Nguyễn

Vậy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thì sao, thưa ông?

- Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật việc làm. Theo đó, Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; ngoài ra Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chuyển sang năm 2021 hơn 89.100 tỉ đồng.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Quỹ BHTN nên có điều chỉnh để thực sự hỗ trợ được NLĐ, NSDLĐ trong giai đoạn khó khăn này. Là người làm tham mưu về chính sách, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

- Theo số liệu tôi nắm được, năm 2020, tổng chi từ nguồn Quỹ này tăng 49,2% (trợ cấp thất nghiệp cho hơn một triệu người), tương đương 6.217 tỉ đồng so với năm 2019, song vẫn kết dư gần 3.600 tỉ đồng. Như vậy, kết dư Quỹ BHTN liên tục tăng và hiện ở mức cao (gần 90.000 tỉ đồng). Điều này đủ cơ sở để đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội ra Nghị quyết giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% cho cả NLĐ và NSDLĐ. 

 Nếu giảm mức đóng thì mỗi năm doanh nghiệp và NLĐ có khoảng gần 10.000 tỉ đồng dành để sản xuất kinh doanh cũng như chăm lo đời sống cho NLĐ. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong điều kiện doanh nghiệp và NLĐ đang (và sẽ tiếp tục) gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, nếu giảm mức đóng như trên thì mỗi năm doanh nghiệp và NLĐ có khoảng gần 10.000 tỉ đồng dành để sản xuất kinh doanh cũng như chăm lo đời sống cho NLĐ. 

Thưa ông, chính sách BHTN phải là giá đỡ của thị trường lao động. Nhưng với thực tế hiện nay thì rõ ràng vai trò này chưa được thực hiện. Theo ông, cần những gì để chính sách BHTN thực sự là giá đỡ của thị trường lao động?

- Qua số liệu cho thấy các quỹ ngắn hạn đều “có kết dư lớn” như Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp kết dư năm 2019 hơn 6.100 tỉ đồng, năm 2020 là 5.900 tỉ đồng; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư năm 2020 hơn 89.000 tỉ đồng. 

Các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, người lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng. “Như vậy hoàn toàn không bình thường” đúng như lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Rõ ràng, điều đó cho thấy, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động linh hoạt và thực sự vì NLĐ - những người đóng góp Quỹ. 

Đã đến lúc, chúng ta cần phải xem xét, diều chỉnh một cách khoa học, phù hợp thực tiễn cả mức đóng và các chính sách chi cho người lao động để BHTN thực sự là giá đỡ của thị trường lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

- Xin cảm ơn ông!

* Theo số liệu của Tổng LĐLĐVN, đến hết ngày 16.8, có 1.300.304 NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Có 1.013 doanh nghiệp với 84.034 CNLĐ vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất...

* Năm 2020, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch. 43% lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp đến từ Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn