MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết hợp Cảng Cái Mép và Cần Giờ để đủ sức cạnh tranh thế giới

MINH QUÂN LDO | 26/11/2023 21:18

TPHCM - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng Đông Nam Bộ gồm cảng Cái Mép và Cần Giờ. Hai cảng này sẽ kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn của thế giới, chứ không phải để cạnh tranh nhau.

Kết hợp cảng Cái Mép và Cần Giờ thành trung tâm logistics lớn

Chiều 26.11, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết trong dự thảo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ có hai cảng trung chuyển quốc tế là  cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cần Giờ (TPHCM).

Từ đó, ông Nguyễn Hồng Sơn đặt vấn đề: Tại sao trong vùng lại có tới hai cảng trung chuyển quốc tế và làm sao để hai cảng này có tác động kết nối với nhau và lan toả ra khu vực xung quanh?

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng Đông Nam Bộ bao gồm Cảng Cái Mép và Cần Giờ, kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước. Việc xây dựng cảng không phải là để phát triển riêng lẻ.

"Chúng tôi đã đi khảo sát rồi, Cái Mép và Cần Giờ nằm hai bên sông Thị Vải, một bên làm rồi, bên còn lại làm có gì đâu. Buôn có bạn, bán có phường. Chúng ta thành lập các cảng trung chuyển nhằm tạo ra trung tâm logistics đủ lớn mạnh để cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn của thế giới, chứ không phải để hai cảng này cạnh tranh nhau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các ý kiến trái chiều, Thủ tướng nêu quan điểm: "Khi đưa ra một chủ trương lớn, vượt tầm, có tính chất đặc thù khó có thể có sự đồng thuận hết, mà nếu chờ đồng thuận hết thì chẳng bao giờ làm được".

Về lo ngại vấn đề môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, Thủ tướng nói hiện nay về tư duy, công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực thì đủ sức để làm. "Điều quan trọng là đưa ra giải pháp tốt nhất để giữ được rừng nguyên sinh, tạo sự kết nối giữa Cần Giờ và quốc tế, phát triển giao thông xanh", Thủ tướng nói.

Cần phát triển mạng lưới đường sắt liên vùng

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất xác định các dự án lớn, những công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng.

Đơn cử, phát triển mạng lưới đường sắt không chỉ tính cho riêng TPHCM, mà phải cho cả vùng và mạng lưới này có thể chi phối việc phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics, thậm chí cả mô hình quản lý hành chính chính của vùng.

Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị không nên hạn chế năng lực phát triển của hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và cả Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thậm chí có thể nhân đôi, nhân ba năng lực này, tạo động lực hạ tầng, nhằm kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay trở ngược ra miền Trung.

Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng cần quy hoạch các tuyến đường sắt có một ga liên vận hàng hoá hậu cần để kết nối với các tỉnh với Tây Ninh, qua Campuchia, kết nối ra cảng biển Cần Giờ, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

Theo ông Lợi, hiện ga Sóng Thần (TP Dĩ An) với quy mô 60ha được công nhận là ga liên vận hàng hoá quốc tế duy nhất trong vùng. Bình Dương cũng đã tổ chức chuyến tàu đầu tiên chở hàng qua Trung Quốc. Hiện, tỉnh đang đầu tư quy hoạch khu này lên 200ha để phát huy vài trò vận chuyển hàng hoá ngành đường sắt. Vì vậy, Bình Dương muốn mở rộng quy mô ga liên vận quốc tế và kiến nghị cần có quy hoạch trung tâm thương mại tự do tại ga Sóng Thần - Dĩ An.

Đồng thời, trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, Bí thư tỉnh Bình Dương cũng đề nghị cần quy hoạch Vành đai 5 kết nối TPHCM cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn