MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gối caosu (màu đen) sử dụng cho gói thầu CP2 tuyến metro số 1 bị xê dịch hồi tháng 4.2021. Ảnh: CTV

Kết luận 3 nguyên nhân sơ bộ khiến gối cầu tuyến metro số 1 bị rơi

MINH QUÂN LDO | 15/11/2021 18:35

TPHCM - Sau hơn một năm gối cầu tuyến metro số 1 bị rơi, Ban quản lý đường sắt đô thị vừa có kết luận sơ bộ 3 nguyên nhân dẫn đến sự cố này.

Cuối tháng 10.2020, một gối caosu dầm cầu cạn thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) tuyến metro số 1 bị phát hiện rơi ra ngoài. Gói thầu CP2 do liên danh Sumitomo - Cienco 6 (liên danh SCC) làm tổng thầu.

Quá trình xác minh, hai tháng sau phát hiện thêm một gối cầu khác trên gói thầu này bị chuyển vị, lệch khỏi vị trí. Đến tháng 4.2021, thêm bốn gối cầu khác gặp tình trạng tương tự.

Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR – chủ đầu tư) vừa có kết luận sơ bộ 3 nguyên nhân dẫn đến sự cố này gồm: Giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa dầm và ray; các sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo giữa giữa gối cầu và bệ trụ; chất lượng của gối cầu.

Kết luận sơ bộ này căn cứ theo kết quả quan trắc định kỳ, các báo cáo của liên danh SCC, nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3 – thi công đường ray) và báo cáo sơ bộ của tư vấn độc lập bên thứ 3 (của liên danh SCC), 

Cụ thể, về kỹ thuật, liên danh SCC cho rằng giá trị chuyển vị phụ thuộc vào khoảng cách của mối nối ray tạm thời (thuộc gói thầu CP3) với khe co giãn của cầu cạn (thuộc gói thầu CP2). Trong đó, tình trạng kẹp mối nối ray cộng với việc các thanh ray co giãn vì nhiệt khiến tổng co giãn vì nhiệt của dầm U vượt quá giới hạn thiết kế. Trong khi đó, Nhà thầu Hitachi cho rằng ray dịch chuyển độc lập với cấu trúc cầu cạn.

Đối với nguyên nhân này, tư vấn độc lập bên thứ 3 chưa có đánh giá cuối cùng vì đang đợi các kết quả thí nghiệm khác của liên danh SCC (đang bị chậm trễ do ảnh hưởng của COVID-19), dự kiến hoàn thành vào này 15.12.

Sự cố rơi gối cầu hồi tháng 10.2020 khiến bêtông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt vỡ. Ảnh: Minh Quân

Về vật liệu, các chứng chỉ vật liệu và hồ sơ gốc của gối caosu Megaba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản) được đệ trình đều không chỉ ra bất kỳ yếu tố nào không phù hợp. Tuy nhiên, tư vấn độc lập bên thứ 3 cho rằng chưa có kết quả thí nghiệm hoá học để xác định hoá chất chống oxy hoá của gối bị trượt có ảnh hưởng tới ma sát của gối hay không, do đó chưa thể đánh giá kết quả.

Về thi công, biện pháp thi công sử dụng các loại dầm đúc sẵn dễ xảy ra các sai số trong thi công dẫn tới gối không được tiếp xúc hoàn toàn với đáy dầm cũng như đá kê gối, rủi ro góc hở giữa các bề mặt tiếp xúc cao. Ngoài ra, trong số liệu quan trắc cũng ghi nhận một số gối có khe hở giữa gối và bề mặt tiếp xúc.

Cũng theo kết quả quan trắc nhận thấy một số gối bị trượt sau khi biến dạng nhỏ hơn nhiều so với khả năng chịu biến dạng của gối. MAUR cho rằng, tư vấn JNPT với vai trò đại diện chủ đầu tư cần sớm đưa ra kết luận về nội dung này.

Theo MAUR, sau khi có kết quả cuối cùng về các công tác thí nghiệm còn lại (dự kiến cuối tháng 11.2021) do liên danh SCC thực hiện thì tư vấn độc lập bên thứ 3 sẽ có các đánh giá về các nguyên nhân của sự việc rơi, chuyển vị gối cầu caosu (dự kiến ngày 15.12).

Trên cơ sở đó, MAUR và tư vấn NIPT sẽ đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng, từ đó có báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân sự việc và đề xuất cho UBND TPHCM hướng xử lý.

Tuyến metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức). Công trình hiện đạt khoảng 88% khối lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn