MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại những khu vực vùng sâu vùng xa, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tới tận xã để tăng cường kết nối với người lao động. Ảnh: v.t

Kết nối cung cầu lao động, giải pháp giảm tỉ lệ thất nghiệp miền núi

Văn Tùng LDO | 29/04/2022 10:49
Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, lượng lao động phải nghỉ việc trở về địa phương bởi dịch COVID-19 khá lớn, nhiều trong số này vẫn chưa trở lại thị trường lao động. Để kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp và giải quyết việc làm hậu đại dịch đang là vấn đề đặt ra tại những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị Sùng Thị Vá, xã Cán Tỷ, (Quản Bạ, Hà Giang) quyết định nghỉ việc tại một công ty may ở Hải Dương trở về quê sinh sống. Số vốn tích góp ít ỏi trong thời gian làm công nhân cũng chỉ đủ chi phi cho 2 con nhỏ ăn học và sắm vài thứ đồ Tết.

Sau nhiều ngày không có việc làm mà tiền tiết kiệm thì cứ vơi dần, chị Vá quyết định mua chiếc máy khâu về may quần áo đem đi bán tại các phiên chợ, người chồng thì làm thợ xây trong vùng. Nhiều lúc hai vợ chồng đã tính đến chuyện trở lại nhà máy cũ để làm việc.

Chỉ riêng trong hơn 3 tháng gần cuối năm 2021, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hơn 7.000 lao động trở về địa phương bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trong số này đến nay vẫn đang thất nghiệp. Chuyện doanh nghiệp hay Trung tâm dịch vụ việc làm về tận bản làng để kiếm lao động đã không còn là chuyện hiếm.

Ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây, đơn vị đã giới thiệu cho một công ty gỗ trong Bình Dương gần 500 lao động, với thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng.

Số lao động này được công ty họ đón bằng máy bay vào thẳng miền Nam và bố trí sẵn chỗ ở để lao động mới không phải tìm nhà trọ, nhanh chóng bắt tay vào việc.

Theo ông Lựa, để có đủ số lao động theo đề nghị của doanh nghiệp không đơn giản, từ trước Tết cán bộ của trung tâm đã xuống các thôn bản, đến tận nhà “cùng ăn cơm, uống chén rượu” nói chuyện với đồng bào. Cán bộ tư vấn đưa ra các ví dụ người trong bản, bà con thân quen đi làm công ty, có tiền gửi về gia đình, cuộc sống vợ con không còn vất vả.

“Đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nói theo văn bản hành chính hay những thông báo việc làm dán ở uỷ ban xã, nhà văn hoá không có ý nghĩa. Cán bộ trung tâm phải hiểu và nương theo phong tục, tập quán của đồng bào thì mới được việc. Thực tế thời gian qua, việc về tận bản để tư vấn, đón người lao động đi làm khá hiệu quả” ông Lựa chia sẻ.

Với cách làm đó, từ đầu năm 2022 đến nay Trung tâm DVVL tỉnh Hà Giang đã kết nối việc làm được cho gần 900 lao động, đa số là đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Nhiều phiên giao dịch việc làm vẫn đang được tổ chức về tận xã và nhân viên tư vấn tiếp tục đến từng thôn bản để kéo người lao động đến với doanh nghiệp.

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, các phiên giao dịch việc làm sau tết được tổ chức với tần suất nhiều hơn tới tận những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó lao động vùng khó khăn, có ít điều kiện tiếp cận trực tiếp với thông tin việc làm đã được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp. 

Ngoài các phiên trực tiếp giữa người lao động và doanh nghiệp, hình thức phỏng vấn, tuyển dụng online được tận dụng triệt để. Nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng từ miền Trung, miền Nam đều có thể kết nối được với người lao động mà không tốn quá nhiều chi phí, hiệu quả kết nối việc làm được nâng cao đáng kể.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho thấy, từ đầu năm đến nay, địa phương đã giải quyết việc làm cho hơn 8.071 lao động. Trong đó số làm việc ngoại tỉnh và nước ngoài chiếm hơn 30%. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông thôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn