MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án giao thông kết nối bến xe Miền Đông mới vẫn dang dở. Ảnh: Anh Tú

Kết nối giao thông chưa thuận tiện khiến bến xe lớn nhất nước ế ẩm

MINH QUÂN LDO | 21/10/2023 18:30

TPHCM - Nằm cách xa trung tâm, nhưng kết nối giao thông chưa thuận tiện là một trong những lý do chính khiến bến xe Miền Đông mới dù được đầu tư hiện đại nhưng vẫn ế khách sau 3 năm hoạt động.

Bến xe Miền Đông mới có diện tích 16 ha, nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (Thành phố Thủ Đức) - cách trung tâm TPHCM gần 20 km. Đây là bến xe lớn nhất nước (tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng), được đưa vào khai thác tháng 10.2020.

Tuy nhiên, sau hai giai đoạn thực hiện di dời các tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua, bến xe Miền Đông mới chỉ còn hơn 50 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động với 641 phương tiện trên 53 tuyến. Công suất bến xe được công bố là 6.120 chuyến/ngày, nay bến xe chỉ đạt 179 chuyến/ngày, công suất chỉ đạt 3%.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, một trong những nguyên nhân khiến bến xe ế ẩm là do các dự án hạ tầng quanh bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện.

Trước bến xe Miền Đông mới là nhà ga Suối Tiên, thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi và đến bến xe.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi công, hiện, dự án Metro số 1 mới đạt gần 96,5% khối lượng. Theo kế hoạch mới nhất, phải đến tháng 7.2024, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM mới khai thác thương mại.

Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) đã thi công hoàn thành nâng cấp mặt đường chính Quốc lộ 1, đưa vào khai thác từ năm 2017 đến nay. Phạm vi có mặt bằng trước khu vực bến xe Miền Đông mới đã được thi công hoàn thành phần đường song hành bên phải (đường, thoát nước, vỉa hè) từ tháng 1.2022.

Tuy nhiên, các hạng mục thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (đường song hành, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng dọc tuyến song hành) hiện chưa có mặt bằng thi công. Sau khi tiếp nhận toàn bộ mặt bằng (dự kiến tháng 12.2023), sẽ triển khai thi công đồng bộ các hạng mục còn lại, hoàn thành vào tháng 12.2024.

Hạ tầng giao thông xung quanh khu vực bến xe Miền Đông mới chưa được hoàn thiện. Ảnh: Anh Tú

Trong khi đó, dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe trên Quốc lộ 1 có tổng chiều dài hơn 1,5km, gồm: 2 cầu vượt (số 3 và số 4), 1 cầu vượt bộ hành, 2 hầm chui bên trái và bên phải.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 437 tỉ đồng, khởi công năm 2019, nhưng đến nay mới thi công hoàn thành cầu vượt số 3 và hầm chui bên phải.

Cầu vượt số 4, cầu vượt bộ hành và hầm chui bên trái chưa thi công do chưa được bàn giao mặt bằng trên địa bàn thành phố Dĩ An, Bình Dương. Hiện chưa xác định được thời điểm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công dự án.

Do đó, hiện ôtô ra vào bến xe Miền Đông mới đều phải chạy vòng về cầu Đồng Nai hoặc qua đường Hoàng Hữu Nam phía sau, cách đó vài km mà chưa có đường để xe quay đầu ra vào trực tiếp.

Còn dự án xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ bến xe Miền Đông mới đến nút giao Xa lộ Hà Nội) dài 1,7km, mặt cắt ngang 30m. Dự án khởi công từ năm 2015, đến nay thi công đạt khoảng 40% khối lượng, đang tạm ngưng thi công do chưa có mặt bằng. Dự án dự kiến cuối năm 2024 mới hoàn thành.

Tương tự, dự án xây dựng đường A8 (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức) dài 621m, mặt cắt ngang 12m, gồm hệ thống thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xung quanh khu vực bến xe Miền Đông mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn