MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy hoạch liên kết vùng để Hà Nội phát triển xứng tầm. Ảnh: Phạm Hùng

Kết nối giao thông, liên kết vùng để Hà Nội phát triển xứng tầm

Phạm Đông LDO | 13/02/2024 06:00

Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hạ tầng giao thông liên vùng nhằm nâng cao hiệu quả kết nối các tuyến đường liên tỉnh.

Với vai trò và tính chất quan trọng hàng đầu, lĩnh vực giao thông vận tải được xem là xương sống đối với sự phát triển của Thủ đô. Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước, Hà Nội đang đẩy mạnh khâu quy hoạch.

Đồ án quy hoạch giao thông vận tải là đồ án quy hoạch duy nhất trong 7 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được UBND TP Hà Nội chấp thuận, cho phép rà soát, đánh giá.

Sau khi rà soát, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới, để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận.

Trong đó có: 5 tuyến kết nối với tỉnh Hòa Bình; 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ, 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt, để phù hợp với định hướng phát triển đô thị dọc theo hai bờ sông Hồng, một số trục dọc hai bên sông được đề xuất kéo dài, kết nối tới Hưng Yên và Hà Nam.

Mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm vùng Thủ đô. Ảnh: UBND TP Hà Nội

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) Phan Trường Thành cho biết, song song với mạng lưới đường đối ngoại và đường ngoài đô thị, Hà Nội cũng cần điều chỉnh, bổ sung 5 tuyến đường trục chính đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, tối ưu kết nối giữa các vành đai lớn, sân bay và đường sắt đô thị.

Trục sông Hồng là trục chính của Hà Nội, xu hướng thành phố sẽ nhìn về sông. Chính vì thế, trong đồ án quy hoạch có một điểm quan trọng, được các tỉnh cũng như thành phố Hà Nội rất đồng tình.

Đó là bổ sung ngay 4 cầu trên sông Hồng để tăng cường kết nối; kéo dài cả bờ phải và bờ trái sông Hồng nhằm tăng khả năng kết nối liên vùng. Phía Nam kéo đến Hưng Yên và Hà Nam, phía Bắc kéo đến Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Trao đổi với Lao Động, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy để phát triển bền vững cần có sự liên kết vùng: Vùng liên tỉnh, vùng liên huyện.

Theo ông Nghiêm, việc liên kết không chỉ là phát huy thế mạnh từng địa phương mà còn hỗ trợ, tạo động lực để giải quyết áp lực, khó khăn cho từng địa phương, tạo các chuỗi liên kết hình thành năng lực của cả nước.

Riêng với Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng, rất cần xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện vai trò chủ động trong vùng nhất là về quản lý dân số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 để mở rộng không gian phát triển của thành phố; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực; đồng thời, tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện…

Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai. Trong đó, đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn