MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc xe container trên cầu Phú Mỹ, TPHCM (hướng về Cát Lái). Ảnh: Việt Phong

Kết nối giao thông, phá vỡ sự kìm hãm phát triển

MINH QUÂN - HÀ ANH CHIẾN LDO | 24/09/2022 07:09

Lưu lượng phương tiện quá lớn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông thiếu kết nối đồng bộ khiến tình trạng quá tải, ùn ứ xe cộ trên các tuyến đường vùng Đông Nam bộ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Từ đó kìm hãm sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm, vùng dẫn đầu cả nước về đóng góp ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu. 

20 năm vẫn chưa mở rộng được QL13

7h sáng 22.9, dòng xe trên QL13 đoạn qua Thành Phố Thủ Đức rất đông. Ôtô, xe máy chen chúc nhau ken đặc cả tuyến đường. Đến 9h, lượng xe tải đổ ra QL13 để vào trung tâm TPHCM càng nhiều. Lúc này, đoạn QL13 từ cầu vượt Bình Phước đến cầu ông Dầu kẹt cứng, xe cộ nhích từng chút một để di chuyển.

Anh Trần Văn Thịnh - tài xế chở hàng từ Bình Dương vào trung tâm TPHCM giao cho khách cho biết, rất mệt mỏi mỗi khi phải đi qua tuyến đường này. Theo anh Thịnh, QL13 được coi là "xương sống" để nối Bình Dương với TPHCM thì Bình Dương đã mở rộng 6 - 8 làn xe, nhưng khi về tới Thành phố Thủ Đức bị "thắt cổ chai" nên hầu như ngày nào xe cũng bị kẹt. “Vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về TPHCM chủ yếu theo QL13. Nhưng nhiều hôm, hành trình hơn 20km từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến nội đô TPHCM tôi mất hơn 2 giờ vì kẹt xe” - anh Thịnh nói.

Dù QL13 (đoạn từ ga xe lửa Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước) đã có kế hoạch mở rộng từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Việc chậm trễ kéo theo tổng mức đầu tư ban đầu dự án từ hơn 1.600 tỉ đồng nay đã tăng lên gần 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do TPHCM chưa bố trí được vốn nên dự án vẫn án binh bất động.

Tượng tự, QL22 hiện quá tải đã kìm hãm năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đi Tây Ninh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia và các nước ASEAN. Đi từ Tây Ninh về TPHCM theo đường này phải mất hơn 3 giờ cho đoạn đường 60km. Trong khi dự án nâng cấp mở rộng QL22 đã có, quy hoạch cao tốc TPHCM - Mộc Bài cũng lập từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai.

Đường “xương sống” có nguy cơ tê liệt

7 năm trước, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km được đưa vào sử dụng, vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với các vùng Đông Nam Bộ. Thời gian từ TPHCM đi Phan Thiết còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trên QL1; từ TPHCM đi Vũng Tàu còn 1,5 giờ, nhanh hơn một giờ so với QL51.

Ngoài ra, đây cũng là một trong những tuyến cao tốc kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Tuy nhiên, sau 7 năm, hiện lưu lượng bình quân trên tuyến cao tốc này đạt 45.000 - 50.000 lượt phương tiện/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế dẫn đến thường xuyên kẹt xe giờ cao điểm, nhất là dịp lễ, Tết.

Tương tự, QL51 có chiều dài 72km kết nối các tỉnh miền Đông với hệ thống cảng biển, KCN và các Khu du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Nhưng chỉ sau vài năm, QL51 đã quá tải nghiêm trọng. Con đường này có công suất thiết kế 15.000 lượt xe một ngày đêm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên tuyến đã tăng khoảng 32.000 lượt xe, dịp cao điểm lên đến 48.000 lượt một ngày đêm. Trước đây kẹt xe chỉ xảy ra vào dịp lễ, cuối tuần thì nay ngày thường cũng xuất hiện kẹt xe.

Nguyên nhân lưu lượng tăng cao do hàng loạt các khu công nghiệp nằm hai bên quốc lộ cũng như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đi vào hoạt động. Tại các nút giao, "xung đột" giữa các xe nhiều hơn khiến ùn tắc thêm trầm trọng. Hiện cụm cảng container Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ mới hoạt động khoảng 40% công suất thiết kế. Trong tương lai, nếu cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động hết công suất và Cảng hàng không quốc tế Long Thanh đi vào hoạt động thì sức ép lên QL51 còn vượt xa mức độ hiện nay, kẹt xe còn trầm trọng hơn.

Hạ tầng cản trở phát triển kinh tế liên vùng

Hiện nay, tổng sản lượng khai thác của cụm cảng biển TPHCM đạt hơn 7 triệu TEUs  (một TEUs tương đương container loại 20 feet); và hơn 120 triệu tấn (hàng hóa), đứng thứ 25/100 cảng biển lớn nhất thế giới, mức tăng trưởng đạt trung bình 8%/năm. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại TPHCM nói riêng và khu vực nói chung chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hoá. Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng quy hoạch khiến cho dịch vụ logistisc chưa thể phát triển đúng tiềm năng.

Tương tự, những năm gần đây, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải bắt đầu phát huy vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, khu vực Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 40 tuyến dịch vụ tàu container cập cảng mỗi tuần, trong đó có 31 tuyến quốc tế (9 tuyến nội Á; 2 tuyến Châu Âu; 2 tuyến Mỹ - Canada; 18 tuyến Bờ Đông - Bờ Tây của nước Mỹ) và 9 tuyến nội địa. Lượng hàng container xuất khẩu - nhập khẩu qua cảng năm 2021 ước đạt 4,77 triệu TEUs, tăng khoảng 9% so với năm 2020.

Tuy vậy, tuyến đường kết nối TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đến hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải hiện duy nhất dựa vào các tuyến độc đạo như QL51, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng đều quá tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn