MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích Quốc gia đền Chợ Củi thu hút rất đông du khách thập phương. Ảnh: TRẦN TUẤN

Kêu gọi hạn chế đốt vàng mã ở đền Chợ Củi

TRẦN TUẤN LDO | 17/02/2024 15:13

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, những ngày này tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi có rất đông du khách thập phương về đây dâng hương, cầu may.

Để phòng cháy chữa cháy, đồng thời hạn chế ngột ngạt khói, hương, Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã dán nội quy với quy định du khách không thắp hương tại các cung thờ và các nơi thờ khác tại di tích, chỉ thắp một cây hương tại lư hương chính được đặt giữa sân đền.

Ban Quản lý cũng phát loa kêu gọi hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa chấp hành, nhiều người còn sắm vàng mã bằng ngựa cồng kềnh dâng lễ, đốt gây ra nhiều khói, nóng nực.

Ngày 16.2, ông Trần Minh Đức - Phó trưởng Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân - cho biết, dịp đầu năm mới Giáp Thìn này, bình quân mỗi ngày đền Chợ Củi đón từ 3.000 - 5.000 khách, tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Về quản lý, sau khi di tích được chuyển từ cá nhân gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa về cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân quản lý từ ngày 15.1.2024 thì Ban đã có nhiều chấn chỉnh, đổi mới để phục vụ du khách được tốt hơn, bài bản hơn.

Cụ thể, theo ông Đức, để đảm bảo an ninh trật tự thì huyện đã bố trí 3 lực lượng gồm công an chính quy, vệ sĩ và lực lượng an ninh nội bộ của Ban.

Về phòng cháy, chữa cháy đã được đảm bảo với việc bố trí nhân lực, phương tiện chữa cháy luôn sẵn sàng.

Kích thước ngựa vàng mã để đốt vẫn lớn, cồng kềnh ở đền Chợ Củi. Ảnh: TRẦN TUẤN

“Chúng tôi kêu gọi du khách hạn chế đốt vàng mã, thắp ít hương hơn. Tuy nhiên, kích thước ngựa là vàng mã để đốt vẫn chưa thay đổi, nó còn lớn, cồng kềnh. Hương thì kêu gọi thắp một nén nhưng nhiều người thắp 3 nén. Nói chung đốt vàng mã, thắp hương có giảm nhưng chưa nhiều” - ông Đức nói.

Về hòm công đức, Ban cũng đã bố trí thêm điểm ghi công đức bên ngoài điện để tránh chen chúc, lộn xộn. Về không gian, Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cũng đã di chuyển, thay đổi một số cây xanh tạo nên một không gian ở đền thông thoáng hơn.

“Chắc chắn kể từ khi giao về cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân quản lý thì tại Di tích đền Chợ Củi đã có nhiều đổi mới trong quản lý, đi vào quy củ hơn, hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn” - ông Đức chia sẻ.

Tình trạng đốt vàng mã, thắp hương có giảm nhưng chưa nhiều ở đền Chợ Củi. Ảnh: TRẦN TUẤN

Trước đó, Lao Động đã thông tin, đầu tháng 1.2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi.
Theo kết luận, từ những tư liệu thu thập và xác minh của Đoàn thanh tra thể hiện đền Chợ Củi là di tích lịch sử - văn hóa được các cấp chính quyền quản lý, tôn tạo từ thời phong kiến đến nay.

Kết luận khẳng định đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra một số bất cập trong quản lý đền Chợ Củi và yêu cầu gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa bàn giao hòm công đức và khu nội tự cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân quản lý. Trường hợp không bàn giao sẽ bị cưỡng chế bàn giao.

Sự việc, gia đình hai anh em ruột ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa khẳng định đền Chợ Củi có từ thời xa xưa được dòng họ Nguyễn của mình xây dựng trên thửa đất của gia đình họ nên mong muốn tiếp tục được quản lý khu nội tự đền này.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền vận động, đến ngày 15.1.2024, gia đình 2 thủ nhang trên đã bàn giao khu nội tự đền Chợ Củi về cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn