MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khắc ghi sự hy sinh quả cảm của 64 liệt sỹ Gạc Ma

Thanh Hải LDO | 14/03/2019 12:25

Biển đảo Việt Nam – một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Trong lịch sử thăng trầm của dân tộc, một phần máu thịt này của đất mẹ đã phải chịu nhiều cảnh trầm luân, mất mát.

Gạc Ma, Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 14.3.1988.

Trong cuộc chiến không cân sức để giữ đảo năm ấy, 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh cho đến nay, bởi vậy 14.3 hàng năm không chỉ là ngày "giỗ chung" của thân nhân các gia đình liệt sỹ, mà còn là một ngày "tưởng niệm" phần lớn những người dân Việt, tưởng nhớ đến những người con trung kiên của dân tộc, đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Bùi Văn Cường cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ chọn những kỷ vật của liệt sỹ trước khi đưa vào khu trưng bày tại Khu tưởng niệm Gạc Ma 

Cách  đây tròn 31 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong một cuộc hải chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sỹ của lực lượng Hải quân đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Gạc Ma mất, và thi thể của các anh cũng phải nằm lại mãi mãi nơi đáy biển sâu.

Đành rằng, sự hy sinh của họ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, đã đi vào bất tử trong lịch sử dân tộc, nhưng với người thân thì mãi luôn là nỗi khắc khoải mong chờ. Chưa đưa được các anh về quê hương, chính là lý do mà những người cha, mẹ, người thân của các anh vẫn mỏi mòn chờ đợi tròn 31 năm nay.

9 trong số 64 liệt sỹ nằm lại với Gạc Ma là con em tại 1 phường Hòa Cường, Đà Nẵng. Thời điểm chưa chỉnh trang, mở rộng đô thị, tất cả gia đình các liệt sỹ này gần như ở cùng xóm. Họ từng là bạn bè chung lớp chung trường. Bởi vậy, kể từ sau sự kiện Gạc Ma 14.3.1988, tại đây thường tổ chức một ngày giỗ chung cho các anh. 

Đồng đội, bạn bè, những người thân cùng làng xóm thường tập trung tưởng niệm, thăm hỏi thân nhân các gia đình liệt sỹ. Âm thầm giúp đỡ lẫn nhau. Nhất là những mẹ liệt sỹ đơn thân, không còn nơi nương tựa. Những hoạt động nghĩa tình này đã âm thầm diễn ra bao năm, khắp các vùng quê trên cả nước.

Mãi đến năm 2014, khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", huy động sự đóng góp của công nhân viên chức lao động và cộng đồng người Việt khắp nơi nhằm giúp đỡ gia đình thân nhân các liệt sỹ, hỗ trợ những ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt ngoài biển Đông, thì ngày 14.3 - sự kiện Gạc Ma được nhắc nhớ nhiều hơn. Hoạt động tri ân diễn ra rộng khắc và hiệu quả. Nhưng điều quan trọng là góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, biết ơn và khắc ghi về sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc của thế hệ cha anh... 

Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trờ" trong quần thể Khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma" 

Thông qua chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã huy động được sự đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất của cán bộ công nhân viên chức lao động và nhân dân toàn quốc, các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, đã hỗ trợ cho nhiều gia đình thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu binh Gạc Ma, thân nhân các gia đình tử sĩ Hoàng Sa, gồm các việc cụ thể như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ khó khăn. Đặc biệt, chương trình còn quyên góp để xây dựng "khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma" tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cựu binh Gạc Ma Trương Văn Hiền cùng con trai trong một lần đến viếng hương các đồng đội của anh đã hy sinh 14.3.1988 

Khu tưởng niệm Gạc Ma không chỉ là nơi tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma mà đã trở thành một trong những địa chỉ du lịch tâm linh, hành hương của người dân cả nước. Từ ngày khánh thành, 15.7.2017 đến nay, tại đây đã đón hơn 1.790 đoàn với hơn 79.000 lượt khách đến thăm quan.

 Khu tưởng niệm Chiến sỹ gạc Ma giờ đã trở thành một điểm du lịch tâm linh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn