MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Ảnh: KH

Khách hàng đi máy bay lộ thông tin cá nhân: Công an vào cuộc vì “có vấn đề”

KHÁNH HOÀ LDO | 04/10/2017 07:50
Ngày 3.10, trao đổi với báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định hiện tượng khách hàng bị lộ thông tin cá nhân (chủ yếu là số điện thoại di động) không mới mà đã có rải rác từ năm 2013, 2014 và mới đây có dấu hiệu trở lại.

Bộ mới đây đã có chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề bảo mật thông tin khách hàng, đặc biệt là việc quản lý các đại lý hàng không cấp 1. “Thông tin có lọt ra thì lọt từ đó chứ đâu” Thứ trưởng đánh giá và cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng không tăng cường thanh kiểm tra các đại lý, các hãng hàng không trong vấn đề bảo mật thông tin. Bộ GTVT cũng kết hợp với công an trong việc điều tra vấn đề để nếu xác định được các đối tượng vi phạm sẽ xử lý ngay theo quy định. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để điều tra làm rõ các đơn vị cung cấp thuê bao để xác định xem có hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân của khách hàng hay không. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc lộ thông tin cá nhân hiện mới dừng ở việc lộ số điện thoại của khách hàng cho các đơn vị dịch vụ, tổng đài taxi.

Cũng liên quan tới vấn đề này, một cán bộ cấp cao của Vietnam Airlines cho biết thời gian qua nhiều khách hàng đã phản ánh về tình trạng bị “quấy rối” bởi các dịch vụ taxi khi sử dụng dịch vụ hàng không của hãng. Có người được chào mời 1-2 ngày trước khi bay đi du lịch tại Nha Trang, Đà Nẵng. Vietnam Airlines bác bỏ việc chủ động tiết lộ thông tin của hành khách và khẳng định tiết lộ thông tin ra ngoài không được lợi gì cho hãng mà chỉ gây thêm phiền toái cho hãng và các khách hàng mà họ phục vụ.

Trước những phản ánh của khách hàng, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều biện pháp từ rà soát hệ thống an ninh mạng, an ninh hàng không cho tới việc điều tra nội bộ và gửi công văn đề nghị công an giúp về chuyên môn. Trong đó, hãng cung cấp cho cơ quan công an các thông tin phản ánh của hành khách mà hãng tiếp nhận được, thông tin về hành trình bay, các số điện thoại mời đi xe, tin nhắn của các hãng taxi.

Theo đại diện của một hãng hàng không khác, thông tin khách hàng như email số điện thoại có thể bị tiếp cận bởi nhiều bộ phận chứ không chỉ thông qua hãng hàng không như phòng vé, các đại lý bán vé, dịch vụ mặt đất tại sân bay… Các hãng hàng không đều quy định xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp nào tiết lộ thông tin của hành khách.

Còn Vietjet cũng xác nhận quản lý chặt và không có nhân viên, đối tác nào có quyền truy cập lấy thông tin khách hàng và các đối tác liên quan đều phải ký bảo mật và chỉ biết thông tin của họ theo mục đích công việc.

Trong thời gian qua, khá nhiều khách hàng phản ánh việc bị “quấy rối” bởi các tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay, có người bị chào mời dịch vụ taxi ở điểm đến dự kiến 1-2 ngày trước giờ bay bởi các số điện thoại lạ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn