MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chen lấn nhau để dâng lễ tại đền Hoàng Mười, Nghệ An. ảnh:HQ

Khách nườm nượp đến đền ông Hoàng Mười, chùa Kim Phong

Hồng Quân - Lê Phi Long LDO | 20/02/2018 18:01

Những ngày đầu năm, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và chùa Kim Phong - núi Thần Đinh (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An, thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười.

Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên. Đền thờ ông Hoàng Mười còn có một địa điểm khác đó là Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Dưới đây là một số hình ảnh khách viếng thăm đền ông Hoàng Mười tại Nghệ An:

Hàng năm vào dịp đầu năm, mỗi ngày đền ông Hoàng Mười đón hàng chục ngàn người dân địa phương và khách thập phương đến đi lễ. Mọi người dâng cờ quạt, bút sách, tiền vàng... để cầu tài cầu lộc, cầu mong bình yên, cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông. Ảnh: HQ
Nhiều người cho rằng, đền ông Hoàng Mười tại Nghệ An là ngôi đền linh thiêng và quan trọng mỗi dịp đi lễ đầu năm. Ảnh: HQ
Du khách đến từ nhiều nơi, hầu hết là ở khu vực miền Trung và phía Bắc Nghệ An. Ảnh: HQ
Ngôi đền này  tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: HQ
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người tứ phương tới viếng đền ông Hoàng Mười. Ảnh: HQ
Nhiều cửa hàng đồ lễ bày bán khắp nơi. Ảnh: HQ
Chen lấn nhau để bày lễ. Ảnh: HQ
Bãi xe chật kín, giá gửi xe từ 20 - 25 nghìn đồng đối với ôtô. Ảnh: HQ

Trong khi đó, vào sáng 20.2 tại chùa Kim Phong, UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tổ chức khai hội lễ hội chùa Kim Phong – núi Thần Đinh Xuân Mậu Tuất 2018 và nghi lễ "rước nước thiêng"; “Đại lễ cầu Quốc thái Dân an, Thế giới hòa bình, Chúng sanh an lạc". Lễ hội chùa Kim Phong – núi Thần Đinh diễn ra đến hết tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018. Trước đó, núi Thần Đinh đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh.

Trong sáng 20.2, đã có hơn 4 ngàn lượt người dân và du khách từ khắp mọi miền đất nước đến thắp hương cầu phúc, cầu an và vãn cảnh núi Thần Đinh.

Nhân dịp này, UBND huyện Quảng Ninh phối hợp với chùa Kim Phong tổ chức trao quà đầu xuân cho các gia đình diện chính sách tại địa phương, phát 20 ngàn phần cơm chay miễn phí…

Người dân thắp hương tại chùa Kim Phong cầu phúc, cầu an đầu năm mới. Ảnh: Lê Phi Long

Theo Thượng tọa Thích Trung Sơn – Phó Ban kinh tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trụ trì chùa Kim Phong - thời gian qua, du khách đến núi Thần Đinh tăng cao, đặc biệt có nhiều Việt kiều về quê đón tết đã đón giao thừa ngay tại chùa.

Hiện trên đỉnh núi Thần Đinh có di tích của một ngôi chùa cổ, du khách phải leo hơn 1.000 bậc dựng đứng mới lên được đỉnh.

Tương truyền, năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã đến đây vãn cảnh, vua Minh Mạng (1820 - 1840), vua Thiệu Trị (1841 - 1847) cũng từng đến đây vãn cảnh chùa.

Trong những năm kháng chiến vệ quốc, nơi đây là chiến khu cách mạng, ngôi chùa cổ bị chiến tranh tàn phá giờ đã trở thành phế tích nhưng trên đỉnh núi vẫn còn giếng nước trong vắt chảy quanh năm, người dân gọi là giếng Tiên. Nơi đây còn có động chiêng, động trống…

Trao đổi với báo Lao Động, ông Phan Mạnh Hùng – Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh – cho biết, đến Thần Đinh vãn cảnh chùa, thắp hương để cầu an, cầu phúc đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người dân Quảng Bình nói chung.

Núi Thần Đinh là một trong những địa điểm nằm trong “chiến lược tầm nhìn du lịch Quảng Bình đến năm 2020''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn