MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khách sạn, nhà hàng tại Đà Nẵng gặp khó về nguồn nhân lực. Ảnh: TT

Khách vừa đông, du lịch đã gặp khó về lao động

Thuỳ Trang LDO | 05/05/2022 10:28

Ngoài các bộ phận buồng phòng, vệ sinh là lao động phổ thông ra thì một nhóm lao động chất lượng cao trong ngành du lịch như bán hàng, lễ tân… chưa dám quay trở lại công việc. Điều này khiến cho các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Hội An gặp tình cảnh đông khách nhưng lại thiếu nhân lực. 

Mức lương chưa hấp dẫn lao động trở lại

Dịp lễ 30.4, 1.5 vừa qua, TP.Đà Nẵng và Hội An đón một lượng khách tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhắc về việc quay trở lại công việc ngành du lịch, chị Mỹ Linh, người có kinh nghiệm làm lễ tân cho khu vực khách VIP ở khách sạn 5 sao Đà Nẵng lại chưa dám chắc.

Nghỉ việc vì dịch bệnh hồi tháng 5.2021, chị Linh vào TPHCM tìm công việc và hiện có mức lương khá ổn định. Dù luôn mong muốn quay trở lại Đà Nẵng làm việc nhưng khi tìm hiểu các nơi đăng tuyển dụng thì mức lương khởi điểm không được như mong đợi.

“Hiện nay, nhiều khách sạn không muốn trả lương cao cho những vị trí như lễ tân, đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm. Họ thường tuyển thực tập sinh là các sinh viên mới ra trường của các trường nghề, chỉ cần trả lương thấp hoặc có khi không cần trả vì các bạn đó sẽ chỉ học việc. Do thị trường khách du lịch quốc tế chưa thực sự hồi phục nên họ chỉ muốn hoạt động cầm chừng. Chúng tôi nếu quay trở lại công việc cũ cũng không có được mức lương tốt” - chị Linh cho hay.

Trong khi đó, thực tế là những lao động có kinh nghiệm, kỹ năng tốt khi phải nghỉ việc do dịch thì 2 năm qua lại đang dần ổn định với một công việc khác. Như chị Linh hiện nay, cũng làm vị trí lễ tân tại TPHCM nhưng mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng nếu quay về Đà Nẵng cũng chỉ còn 6 triệu đồng/tháng, không đủ hấp dẫn họ bỏ công việc hiện tại.

Cùng chia sẻ câu chuyện trên, chị Phạm Thu, nhân viên kế toán một khách sạn trên đường Hoàng Sa, Đà Nẵng cho hay, hiện nay nhiều khách sạn tuyển lễ tân và bán hàng rất khó, gần như không có người.

“Một phần vì họ đã có công việc ổn định vì họ có kỹ năng tốt nên có thể làm được nhiều lĩnh vực khác nhau. Phần khác là mức lương hiện nay chưa hấp dẫn và thị trường du lịch chưa hồi phục vững chắc để họ có thể quay trở lại. Khách sạn nơi tôi làm việc đang phải thuê nhân viên bán hàng bên ngoài, còn lễ tân thì vẫn đang tuyển dụng hơn 1 tháng nay nhưng không có hồ sơ nào nộp”.

Du lịch hay nhân lực muốn phục hồi đều cần thời gian

Thực trạng thiếu hụt nhân lực lao động ngành du lịch không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Sơn Thuỷ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, trong dịp lễ 30.4, 1.5 vừa qua, mặc dù lượng khách đến Hội An rất đông nhưng nguồn nhân lực từ khách sạn đến nhà hàng đều thiếu.

“Chỉ ghé vào một nhà hàng cũng đủ thấy thời gian khách được phục vụ lâu hơn trước đây, phần vì đông khách, phần vì không đủ nhân viên. Số lượng nhân viên được bố trí thường xuyên có mặt để phục vụ yêu cầu của khách hàng cũng hạn chế. Việc phục hồi du lịch và cả nhân lực của ngành đều cần nhiều thời gian bởi sau 2 năm dịch bệnh, hàng vạn lao động ngành du lịch đã dần ổn định với nhiều nghề nghiệp khác nhau.

Ví dụ như những người đã tìm kiếm được có hội việc làm từ công nghệ thông tin, làm việc trên mạng… và đang dần ổn định sẽ khó quay lại với ngành du lịch. Lực lượng lao động chất lượng cao cũng vậy, có người đã khởi nghiệp, tìm kiếm công việc ở nơi khác với thu nhập cao hơn.

Nhiều khách sạn dù gọi lực lượng cũ tất cả các bộ phận cũng không đủ, trong khi đó, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên trả lương thấp, cầm chừng. Người lao động chưa tin tưởng ngành du lịch sẽ phục hồi hoàn toàn. Cả hai điều này đều cần có thời gian và thị trường khách phải ổn định mới giải quyết được bài toán kinh tế và nhân lực” - ông Thuỷ chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà nẵng đánh giá, ngành du lịch không quá khan hiếm người lao động, nhất là lao động phổ thông tại chỗ đang chờ việc rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Vì vậy, bài toán đặt ra là công tác đào tạo người lao động ngành du lịch phải được thực hiện bài bản.

Thời gian qua, để gỡ khó cho nguồn nhân lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng đã tổ chức hàng loạt các khóa đào tạo cho người lao động, trong đó bao gồm đào tạo để nâng cao tay nghề và đào tạo chuyển đổi nghề. Riêng tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố cũng đã có những chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho lao động ngành du lịch, qua đó hy vọng có thể giữ chân được nguồn lao động khi ngành du lịch phục hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn