MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ảnh PV.

Khai mạc Hội thảo khoa học Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều quốc gia

HỮU ĐỨC-HỮU CHÁNH LDO | 12/06/2020 17:04
Sáng ngày 12.6 tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và đề xuất xây dựng Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025”.

Việt Nam là quốc gia tiên phong áp dụng chuẩn nghèo đa chiều

Nhằm tham vấn rộng rãi ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế để có được cái nhìn tổng thể, khách quan từ lý luận đến quá trình triển khai thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và đề xuất xây dựng Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025”.

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng đại diện, chuyên viên các đơn vị, các vụ và lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 21 tỉnh thành đại diện cho các khu vực trong cả nước, các chuyên gia tư vấn đã có nhiều năm kinh nghiệm đóng góp cho công cuộc giảm nghèo.

Ban chủ tọa điều hành tại Hội thảo. Ảnh PV.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ năm 2015. Qua báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền, đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều mới

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, với bối cảnh mới của giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực,thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 -2020, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, việc xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 là hết sức cấp thiết, là cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo giảm nghèo bao trùm, toàn diện, bền vững cho người dân.

Hội thảo được diễn ra trong vòng 1 ngày với các nội dung báo cáo đánh giá, thông tin về các chiều, các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, mức độ tiếp cận thông tin, việc làm, nước sinh hoạt), báo cáo đề xuất các phương án chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới, thảo luận đóng góp các ý kiến, bổ sung, sửa đổi, thay thế các chiều, chỉ số nghèo đa chiều đến từ đại biểu đến từ các Bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại biểu từ các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nhằm hướng tới mục đích cao nhất là tạo tiếng nói chung, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm tạo ra một chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều quốc gia mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn