MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Kinh tế Nghi Sơn - cú hích quan trọng đưa Thanh Hoá phát triển. Ảnh: VGP

Khai phóng tiềm năng

Hoàng Lâm LDO | 06/02/2022 11:31

Tôi chọn hai từ “khai phóng” để nói về những gì đang diễn ra và dần làm đổi thay khu vực Bắc Trung Bộ. Bởi, những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, thiên nhiên, con người đã được nhận rõ và điều quan trọng, khu vực này với 3 đầu tàu là Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế đã có thêm những cơ chế đặc thù, giúp cởi trói và phát huy những tiềm năng, thế mạnh ấy.

Lùi xa những vất vả đói nghèo

Em gái tôi - một cô gái Hà Nội chính gốc, sinh năm 1980, học hành đầy đủ, hoàn toàn có thể kiếm được một chỗ làm tốt ở thủ đô. Một ngày đẹp trời, cách đây khoảng 10 năm, quyết định vào tận Đông Hà - Quảng Trị lập nghiệp. Một quyết định hiển nhiên gặp sự phản đối của hầu hết người trong gia đình: “Cái nơi chỉ toàn cát với gió lào, mỗi năm mấy trận bão, lũ lụt thì vào làm chi? Ở đó nghèo, không có hướng phát triển”. Thậm chí tôi cố chứng minh là từ xưa tới nay, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ mà nhất là khu Quảng Bình - Quảng Trị gần như không có bất kỳ một câu ca dao, tục ngữ nào nói về sự trù phú, giàu có cả. Hơn 30 năm đất nước Đổi mới rồi mà những lời ca, giai điệu vẫn mang âm hưởng của cái nghèo. Rồi những bài thơ, bài hát các nhà thơ, nhạc sĩ cố gắng tô vẽ cho đẹp hơn, sâu sắc hơn, cảm động hơn nhưng Bắc Trung Bộ vẫn cứ nghèo, vẫn cứ khó khăn.

Quyết định của người con gái Hà Nội vẫn giữ nguyên. Chúng tôi gọi đó là một cuộc “di cư ngược”. Bao nhiêu người ở độ tuổi lao động tại Bắc Trung Bộ hàng năm tìm đường đi vào Nam, ra Bắc, đi xuất khẩu lao động còn chưa xong.

10 năm sau khi nhìn lại quyết định ấy và những gì cô em gái tôi gây dựng được và khả năng có thể được một cuộc sống tốt đẹp hơn và đặc biệt, nhìn vào sự quan tâm của những nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mảnh đất này hay những cơ chế chính sách được tháo bỏ để Bắc Trung Bộ bứt lên, mới thấy, từ rất rất lâu nay nhiều người đã nhìn vào các khu vực Bắc Trung Bộ chỉ bằng một con mắt: Con mắt nghèo, con mắt khó khăn trắc trở chứ chưa mở lòng nhìn rõ hơn, kỹ hơn tiềm năng, cơ hội từ vùng đất này.

Một góc Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ảnh: T.L

Nói về tiềm năng, không ngoa khi nói rằng khu vực Bắc Trung Bộ “vô địch về tiềm năng”. Đầu tiên là về tiềm năng con người. Từ xưa tới nay có một điều chắc chắn là số lượng các nhà chính trị, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân thành đạt… quê từ Ninh Bình tới Thừa- Thiên Huế có tỉ lệ rất cao trong hệ thống quản lý nhà nước, trong lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, nghệ thuật.

Rồi tiềm năng biển, tiềm năng rừng, tiềm năng du lịch, tiềm năng về vị thế địa lý, tiềm năng phát triển văn hoá, tiềm năng về du lịch… đầy đủ các tiềm năng.

Vấn đề là trở ngại nào khiến khu vực Bắc Trung Bộ hai chữ “tiềm năng” bị đóng khung và cứ mãi ở dạng tiềm năng mà chưa được khai phóng? Có phải do cơ chế hay do chính những con người tài năng, giỏi giang của khu vực Bắc Trung Bộ tự “đóng khung” chính mình, không phải là “khó phát triển” mà là “không muốn” phát triển?

Cú hích

Tôi nhớ như in câu nói của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng với báo giới: “Cái khó nhất là thay đổi cách tư duy. Đừng bao giờ nghĩ mình nghèo, mình khó, vì nghĩ như vậy sẽ mất ý chí, mất đi hoài bão và năng lượng. Phải nghĩ rằng Quảng Trị là một tỉnh đang phát triển và vươn lên. Tất cả chúng ta cần quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ ấy”. Ông Hưng nói về một “Giấc mơ Quảng Trị” và cụ thể hoá nó là biến Quảng Trị thành Trung tâm năng lượng của miền Trung và xa hơn là cả nước. Ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa - nơi nổi tiếng với sự khắc nghiệt của gió mùa Tây Nam dần hình thành những cánh đồng điện gió. Vận tốc gió lớn 6 - 7m/giây đang trở thành một lợi thế để địa phương này kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ riêng 83 dự án điện gió đã được quy hoạch và đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 5.600 MW. Kế hoạch này nếu thành công, ngân sách Quảng Trị sẽ thu được 3.500 tỷ đồng/năm. Trong “Giấc mơ Quảng Trị” còn là câu chuyện phát triển du lịch, đặc biệt du lịch tâm linh, du lịch biển; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đó chỉ là một ví dụ. Lãnh đạo Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đều đã có những giấc mơ đối với địa phương mình.

Cuối năm 2021, sự kiện khởi công dự án Nhà máy sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được cho là một sự kiện khởi đầu mới cho sự phát triển ở Hà Tĩnh, tạo dựng một giấc mơ đổi thay khi dự kiến đến quý IV/2022 sẽ có hàng loạt những dự án khác được triển khai với tổng vốn lên đến hàng chục tỉ USD.

Dự án tỉ USD không còn là khái niệm xa lạ. Tại Thanh Hoá, Foxconnn dự kiến đầu tư 1,3 tỉ USD . Dự án này được ví như “sóng lớn” trong làn sóng đầu tư liên tục “đổ bộ” vào Thanh Hóa trong những năm gần đây. Hay cũng tại Thanh Hoá, dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổng vốn đầu tư đăng ký 9 tỉ USD, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 10,68 tỷ USD…

 Sự đổi thay, không còn chỉ nằm ở những giấc mơ của những nhà lãnh đạo, của những người dân khu vực Bắc Trung Bộ mà đã dần trở thành hiện thực. Đối với những nhà đầu tư, mảnh đất Bắc Trung Bộ không còn gắn với cụm từ nghèo khó, kém phát triển, không muốn phát triển mà thay vào đó là “cơ hội”, “thuận lợi” và khả năng sinh lời.

Nền tảng cho sự đổi thay này đó chính là bộ máy chính trị, bộ máy lãnh đạo các địa phương đã tạo ra được một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, môi trường xã hội trong lành hơn.

Năm 2021 là một năm đặc biệt. Khi Quốc hội đặt lên bàn để thảo luận cơ chế đặc đặc thù cho 4 địa phương là Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại lời Bác Hồ khi vào thăm Thanh Hoá: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Nghệ An cũng tương tự như vậy, diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ tư cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền tây Nghệ An.

Lễ thông xe cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (5.2.2022). Đường vào Bắc Miền Trung đã rộng mở. Ảnh: N.T

Nói về cơ chế đặc thù, được áp dụng từ 1.1.2022, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc tin tưởng: “Đây chính là “phòng thí nghiệm” để chúng ta xây dựng các đô thị trung tâm nhưng đồng thời kết nối với các vệ tinh trong khu vực. Cho nên, định hướng rất quan trọng là, xây dựng các tỉnh, thành phố đặc thù phải được định hướng trong việc xây dựng kiểu mẫu của một không gian chung sống, một đô thị trung tâm và vệ tinh, xử lý hài hòa các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Các đô thị trung tâm phải có mối quan hệ hợp tác theo kiểu liên kết vùng với các tỉnh, thành phố khác theo các cấp độ khác nhau, đảm bảo có sự phát triển hài hòa”.

2022 sẽ là năm mà những địa phương khu vực Bắc Trung Bộ sẽ và phải có những đột phá hơn nữa, vượt sóng để vươn lên. Sẽ là một Bắc Trung Bộ năng động, tận dụng những lợi thế tiềm năng đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Tôi cứ chờ, sớm thôi, khi vào thăm cô em gái ở Quảng Trị, tôi có thêm nhiều sự lựa chọn: Có thể là đường cao tốc Bắc Nam, có thể là đường sắt cao tốc và hoàn toàn có thể là những chuyến bay thẳng từ Nội Bài đi Quảng Trị khi sân bay Quảng Trị đi vào vận hành khai thác.

Khai phóng tiềm năng để cất cánh và đi lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn