MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ga ngầm Ba Son thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp hoàn thành. Ảnh: Anh Tú

Khai thác không gian ngầm giữa trung tâm TPHCM

MINH QUÂN LDO | 26/10/2021 19:10

TPHCM - Khu trung tâm TPHCM rộng 930 ha dự kiến sẽ khai thác không gian ngầm dưới các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, công viên Bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.

Khai phá không gian ngầm

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về "Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TPHCM", trong đó có đề cập đến không gian ngầm trong khu trung tâm 930 ha.

Đó là không gian ngầm dưới các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, công viên Bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh.

Trong đó, không gian bên dưới đường Nguyễn Huệ sẽ có tầng hầm đầu tiên dành cho thương mại dịch vụ, và hai hoặc ba tầng hầm tiếp theo sẽ là các tầng giữ xe. Tại tầng hầm thứ nhất có hành lang cho người đi bộ, kết nối giữa Nhà hát Thành phố và công viên dọc sông Sài Gòn.

Ở khu vực công viên Bến Bạch Đằng có bãi đậu xe công cộng ngầm đường Tôn Đức Thắng với sức chứa 300 xe hơi ở hai tầng hầm, khi cần thiết sẽ được trưng dụng làm bãi đậu xe hai bánh. Đường ngầm Tôn Đức Thắng dự kiến có hai làn xe mỗi hướng.

Khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ....

Bên trong nhà ga ngầm Ba Son tuyến metro số 1.  Ảnh: Anh Tú

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, các công trình dưới lòng đất mở ra không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại. Điều này giúp giảm áp lực kẹt xe và đáp ứng tốc độ phát triển đô thị ngày càng nhanh của thành phố.

Tiền đâu để mở rộng không gian dưới lòng đất?

Hiện nay, không gian ngầm đã xuất hiện tại dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với 3 nhà ga ngầm (Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành) đã hình thành. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng có thể tận dụng lợi thế hệ thống ngầm của tuyến metro số 1 để phát triển không gian đô thị ngầm ở TPHCM theo hướng lan tỏa.

Khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, chắc chắn hệ thống giao thông ngầm, dịch vụ thương mại sẽ phát triển ở các không gian ngầm tại các nhà ga lớn.

Cùng đó kết nối với các tầng hầm của những tòa nhà cao ốc gần đó đã có sẵn, tạo thành một không gian đô thị khá lớn, thân thiện cho người đi bộ ở dưới lòng đất, sử dụng metro khi đi vào trung tâm thành phố.

Bên trong nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến metro số 1.  Ảnh: Minh Quân

Thực tế bài toán phát triển không gian ngầm đã được TPHCM đặt ra từ cách đây nhiều năm, nhưng hầu hết đều thất bại. Điển hình là TPHCM từng quy hoạch các bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, nhà hát Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư kết hợp với các trung tâm thương mại ngầm theo phương thức đối tác công tư… nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.

Do đó, việc khai thác không gian ngầm công trường Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… chưa thể triển khai sớm bởi phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Với tình hình ngân sách như hiện nay, thành phố khó có thể dành hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các hệ thống ngầm này. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, muốn xây dựng không gian đô thị ngầm, trước hết phải có quy hoạch bài bản, sau đó là xây dựng giải pháp, chính sách để thu hút đầu tư. Khi chính sách đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ tham gia.

Cần khai thác hợp lý

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, khu vực trung tâm TPHCM nếu khai thác không gian ngầm không hợp lý sẽ làm tăng thêm mật độ giao thông.

“Dưới đất hay như trên không cũng đều như nhau. Khu trung tâm hiện hạn chế xây nhà cao tầng thì dưới đất cũng cần có quy hoạch, kế hoạch khai thác hiệu quả, đảm bảo mật độ lưu lượng người, xe. Vì khi đi từ dưới đất lên cũng sẽ tạo điểm nghẽn giao thông” - ông Hiển nói.

Ông Đinh Thế Hiển góp ý, không gian ngầm cần ưu tiên để giảm tải giao thông, tạo thành những “cầu vượt” dưới lòng đất, kết nối metro, kết nối các khu đô thị. Còn không gian ngầm mà tăng thêm giải trí, thương mại nhiều quá chắc chắn cảnh tượng không khác gì trên mặt đất.

“Chúng ta phải làm sao đảm bảo quy hoạch chung vì quy hoạch chung là quan trọng nhất, không nên khai thác đến mức phá vỡ mật độ chung. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đầu tư các bãi đậu xe ngầm để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe” - ông Hiển góp ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn