MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khai thác nước ngầm dùng để sản xuất, sinh hoạt. Ảnh: N.V

Khai thác nước ngầm quá mức, bán đảo Cà Mau ngày càng ngập, lún

NHẬT HỒ LDO | 27/10/2018 07:53

Dự báo trong vài ngày tới có đợt triều cường mới khiến ngập sẽ trầm trọng hơn tại các tỉnh ven biển cực Nam. Dù đây là hiện tượng thiên nhiên, nhưng chính việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến cho tình trạng ngập, lún ngày càng nghiêm trọng.

Ông Phạm Quốc Nam - Giám đốc Sở TNMT Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 130.000 giếng khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình. Để cung cấp nước sạch cho người dân, Bạc Liêu có 2 nhà máy cấp nước đô thị gồm 11 giếng khoan công nghiệp, với tổng lưu lượng khai thác khoảng 19.000m3/ngày đêm cấp cho khoảng 25.000 hộ TP.Bạc Liêu. Có 96 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn gồm 110 giếng công nghiệp; ngoài ra còn có khoảng 150 cơ sở khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và hàng trăm cơ sở khai thác, sử dụng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt với lưu lượng khai thác 15.000m3/ngày đêm. Tổng lưu lượng khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 400.000m3/ngày đêm và 100% người dân sử dụng trong sinh hoạt chủ yếu từ nguồn nước ngầm.

Tại Cà Mau có đến 175.710 công trình, tương đương với tổng lượng khai thác nước dưới đất 426.402m3/ngày. Ngoài ra, tỉnh này có đến trên 14.000 giếng khoan nước ngầm, mật độ trung bình gần 30 giếng khoan/km2, lưu lượng nước khai thác trung bình 373.332m3/ngày, đêm. Ðiều đáng lo nhất là toàn tỉnh có hơn 2.145 giếng khoan nước ngầm bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm không sử dụng được do khai thác quá mức hoặc bị nhiễm phèn, mặn.

Khó có thể thay thế nguồn nước ngầm bởi Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng ít thụ hưởng của nguồn nước ngọt sông Mekong. Nơi đây được xác định là vùng đất ngập nước. Cà Mau đã từng có dự án đưa nước ngọt từ sông Hậu về nhưng quá tốn kém, không khả thi. Chính vì vậy các địa phương đang cố gắng khắc phục những giếng nước bỏ hoang. Cà Mau đã xử lý trên 2.400 giếng, Bạc Liêu 2.300 giếng, Sóc Trăng trên 1.000 giếng. Các tỉnh này hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân tự phát khoan giếng nước ngầm. Thay vào đó đầu tư giếng nước ngọt tập trung tại các trung tâm xã, khu đông dân cư.

Hiện nơi đây đang có nguy cơ sụp lún, mà nguyên nhân được xác định là khai thác nước ngầm quá mức. Biết vậy, nhưng hạn chế không phải dễ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn